Tìm kiếm tin tức
Hướng dẫn khung lịch thời vụ nuôi trồng thuỷ sản năm 2019
Ngày cập nhật 14/02/2019

Căn cứ thông báo số 11/TB-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2019 của  Uỷ ban nhân dân huyện Quảng Điền về việc hướng dẫn khung lịch thời vụ nuôi trồng thuỷ sản năm 2019; Căn cứ tình hình thời tiết và điều kiện tự nhiên ở xã; Để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện vụ nuôi trồng thuỷ sản năm 2019 đạt kết quả tốt. UBND xã thông báo hướng dẫn khung lịch thời vụ thả nuôi tôm sú, cua, cá nước lợ và nuôi cá nước ngọt cụ thể như sau:

1. Đối với vùng nuôi cá nước ngọt:

- Đối với hình thức nuôi lồng, nuôi ao hồ, bể cao có thể vượt lũ: Có thể nuôi quanh năm.

- Đối với các ao hồ khác: Thả giống từ ngày 20/01/2019 trở đi, thu hoạch trước 31/8/2019 (02/8 Âm lịch).

Tuy nhiên, tùy theo diễn biến của tình hình thời tiết, nhất là điều kiện nhiệt độ, môi trường nước để chọn thời điểm thả giống cho phù hợp, tốt nhất là thả giống khi nhiệt độ nước từ 26-300C.

2. Đối với nuôi thủy sản nước lợ:

- Ương cua, tôm giống: Ương từ ngày 10/3/2019 (05/02 AL) trở đi. Ương trong các ao nuôi có diện tích dưới 1.000 m2 để dễ quản lý và xử lý dịch bệnh.

- Nưôi chuyên cá nước lợ, cua chính vụ: Thả giống từ ngày 10/3/2019 (5/02 AL) trở đi, thu hoạch trước ngày 31/8/2019 (2/8 AL)

- Riêng đối với thả nuôi tôm sú: Thả giống từ ngày 10/4/2019 (06/03 AL) trở đi, thu hoạch trước ngày 31/8/2019 (2/8 AL)

* Đối với các hồ thả nuôi xen ghép tôm, cá:

- Chỉ thực hiện thả cá, cua sau thả tôm từ 15 ngày trở lên để đảm bảo an toàn và hạn chế cạnh tranh thức ăn của tôm, giúp cho tôm có điều kiện phát triển tốt hơn trong giai đoạn đầu.

- Mật độ nuôi xen ghép: tùy theo điều kiện có thể thả xen ghép theo công thức khác nhau, nên lấy đối tượng tôm sú, cua làm đối tượng nuôi chính. Mật độ thả tôm sú: 3-5 con/m2 (cỡ 2-3 cm); Cua: 0,1-0,2 con/m2 (cỡ 3-5 cm), cá dìa: 0,1 – 0,2 con/m2(cỡ 3-5 cm); cá Kình : 0,5-1 con/m2 (cỡ 2-3 cm), cá đối: 0,1 con/m2(cỡ 3-5 cm)

3. Một số vấn đề cần lưu ý khi thả nuôi ở vùng nước lợ ven phá:

Những năm qua, tình hình thời tiết thường diễn biến phức tạp, mưa rét kéo dài đầu vụ, tình trạng ngọt hoá thường hay xảy ra và kéo dài cuối vụ, nắng nóng, tình hình dịch bệnh xuất hiện, đặc biệt là bệnh đốm trắng; bên cạnh đó, diện tích nuôi chủ yếu thuộc hạ triều, hệ thống ao hồ ngày càng xuống cấp, môi trường ao nuôi phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên. Do vậy, để hạn chế rủi ro, ngăn chặn, hạn chế dịch bệnh có thể xảy ra, UBND xã yêu cầu người nuôi phải tuyệt đối chấp hành nghiêm ngặt khung lịch thời vụ; tuyệt đối không được thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong các ao nuôi trên đầm phá Tam Giang. Đối với các hộ nuôi cá lồng phải có đơn đăng ký nuôi, nuôi đúng vùng quy hoạch có xác nhận của Chi hội nghề cá và UBND xã.

Ngoài ra trong quá trình nuôi phải nghiêm túc thực hiện tốt một số yêu cầu sau:

1. Tiến hành tu sửa, cải tạo và xử lí ao hồ đúng và đầy đủ các bước theo quy trình kỹ thuật. Chỉ tiến hành thả giống khi ao nuôi có môi trường thích hợp (độ mặn đối với tôm sú P15 đạt từ 10 0/00 trở lên, đối với cá từ 5 0/00 trở lên, nhiệt độ nước từ 26-30 0C, pH từ 7,5-8,5).

2. Tôm giống phải được kiểm dịch và xét nghiệm PCR trước khi thả nuôi. Đối với những vùng nuôi đủ điều kiện, cần tổ chức ươm cua giống (cua khay) để chủ động nguồn giống có chất lượng cung cấp cho người nuôi trên địa bàn.

3. Đầu vụ nuôi thường có các đợt rét muộn, nhiệt độ thường không ổn định, tôm giống dễ bị hao hụt. Do vậy không nên thả thẳng tôm P 15 mà cần phải ươm giống một thời gian để dễ dàng quản lý số lượng và chất lượng con giống trong ao nuôi.

4. Trong vụ nuôi thường xảy ra tình trạng ngọt hoá kéo dài nên không thể thay nước được, vì vậy cần tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi và dịch bệnh xảy ra.

5. Đối với vùng nuôi hàng năm đã bị ô nhiễm nên thả nuôi theo hình thức nuôi tôm xen cá kình, cua, cá dìa hoặc nuôi chuyên cá, không nuôi chuyên tôm.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.818.549
Truy cập hiện tại 358