Tìm kiếm tin tức
Ban Chỉ đạo Đề án 250 tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức phiên họp: Cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành trong công tác giám định tư pháp
Ngày cập nhật 15/04/2022

Ngày 30 tháng 3 năm 2022, Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (viết tắt là Đề án 250) tổ chức phiên họp nhằm đánh giá việc thực hiện Đề án 250 trong năm năm 2021 và quý I/2022, phân tích hạn chế, khó khăn và nguyên nhân, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giám định tư pháp nói chung và việc triển khai thực hiện Đề án 250 nói riêng trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phiên họp do đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 250 chủ trì.

Theo Báo cáo, các thành viên Ban Chỉ đạo và Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành 04 văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu hướng dẫn nghiệp vụ liên quan trong công tác giám định tư pháp đối với 05 trường hợp. Các cơ quan chuyên môn phối hợp góp ý 03 dự thảo Thông tư trong các lĩnh vực giám định tư pháp, góp phần hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực giám định tư pháp phù hợp với các văn bản pháp luật về giám định mới sửa đổi, bổ sung năm 2020. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp với các cơ quan thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giám định tư pháp do địa phương ban hành với kết quả có 06 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, 01 văn bản quy phạm pháp luật cần đình chỉ việc thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành mới văn bản để thay thế trong trường hợp này.

 Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành 01 Quyết định công nhận 10 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; Quyết định sáp nhập 02 đơn vị Trung tâm giám định pháp y tỉnh và Trung tâm giám định y khoa thành Trung tâm Giám định Y khoa – Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế, thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế; 02 Quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp; 01 Quyết định miễn nhiệm 01 giám định viên pháp y; 02 quyết định công nhận 10 người giám định tư pháp theo vụ việc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 03 tổ chức giám định tư pháp công lập (Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế; Trung tâm Giám định Y khoa – Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Miền Trung, trực thuộc Bộ Tư pháp) và 10 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Có 73 giám định viên tư pháp, 20 người giám định tư pháp theo vụ việc. Về cơ bản, nhân lực trong lĩnh vực giám định tư pháp cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan củng cố, kiện toàn nguồn nhân lực trong một số lĩnh vực chưa có tổ chức, người giám định tư pháp (kim loại, bạc trang sức mỹ nghệ, ...).

Nhìn chung, trong quá trình giám định, các tổ chức giám định và người giám định tư pháp thực hiện đúng quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật liên quan. Năm 2021, các tổ chức giám định tư pháp thực hiện 1.755 vụ việc giám định tư pháp theo trưng cầu của của cơ quan tiến hành tố tụng, yêu cầu của người yêu cầu giám định, yêu cầu của tổ chức, cá nhân khác.

Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được, các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 250 đã thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá cụ thể những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong công tác giám định tư pháp thời gian qua, như: Đội ngũ giám định tư pháp tuy có trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng hạn chế về kỹ năng, kiến thức pháp luật; thiếu người giám định tư pháp chuyên sâu trong một số lĩnh vực (kim loại, bạc trang sức mỹ nghệ, ...); cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định tư pháp còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; một số cơ quan chuyên môn từ chối trưng cầu giám định do không đủ năng lực, điều kiện cần thiết; một số tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc là doanh nghiệp thường từ chối khi có trưng cầu giám định với nhiều lý do,...

Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế được nhìn nhận theo chủ quan và khách quan. Về chủ quan, nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác giám định tư pháp chưa đúng, chưa đầy đủ; cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp tại một số cơ quan thiếu kinh nghiệm trong công tác này do luân chuyển vị trí công tác hoặc kiêm nhiệm nên chưa có sự chuyên sâu; công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành và cơ quan tố tụng có lúc thiếu chặt chẽ.Về khách quan, giám định tư pháp là lĩnh vực khó, phức tạp, nhạy cảm nên việc thu hút nguồn nhân lực và việc xã hội hóa trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn; trang thiết bị trong lĩnh vực giám định tư pháp mang tính đặc thù, giá thành cao nên việc trang cấp đầy đủ, bảo đảm cho hoạt động giám định còn hạn chế,...

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 250 nhận định công tác giám định tư pháp là nhiệm vụ khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không vì vậy mà “né tránh”, đồng chí yêu cầu các cơ quan, ban, ngành cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác giám định tư pháp theo đúng quy định pháp luật, nhất là trong thực hiện giám định khi tiếp nhận trưng cầu giám định của cơ quan, người có thẩm quyền trưng cầu; rà soát, củng cố, kiện toàn cá nhân, tổ chức giám định tư pháp, có lộ trình trong xây dựng và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giám định tư pháp của ngành đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Giao Sở Tư pháp tổ chức tập huấn, bồi dưõng kiến thức pháp luật chung về giám định tư pháp cho đội ngũ giám định tư pháp và cán bộ, công chức quản lý nhà nước về giám định tư pháp; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động giám định tư pháp để phát hiện những khó khăn, bất cập và có giải pháp, kiến nghị giải pháp khắc phục kịp thời. Tăng cường công tác thông tin, phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong thực hiện giám định tư pháp một cách thường xuyên để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.810.259
Truy cập hiện tại 584