Tìm kiếm tin tức
Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo
Ngày cập nhật 26/02/2021

Ngày 29 tháng 01 năm 2020, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Tham dự Hội nghị có 120 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế cùng các phòng, ban chức năng liên quan. Hội nghị do đồng chí Đào Chuẩn – Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chủ trì.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Đào Chuẩn – Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh nhấn mạnh: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được Quốc hội thông qua từ ngày 16 tháng 6 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Luật được xác định là cơ chế pháp lý mới, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn, giải quyết tranh chấp. Việc thiết lập cơ chế này sẽ giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục một số vướng mắc, bất cập của các cơ chế hoà giải, đối thoại hiện nay, và cũng cần lưu ý rằng, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hoàn toàn khác biệt với Luật Hòa giải ở cơ sở, về phạm vi và đối tượng điều chỉnh. Đối với Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thực tiễn một bộ phận cán bộ, nhân dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ các quy định, có không ít ý kiến hiểu nhầm rằng người dân được sử dụng pháo, chưa phân biệt rõ giữa “pháo nổ”, “pháo hoa nổ” và “pháo hoa”; loại pháo nào người dân được phép sử dụng và loại pháo nào nghiêm cấm người dân sử dụng,... Vì vậy, hội nghị hết sức lưu ý những nội dung cơ bản của hai văn bản nêu trên để triển khai thực hiện và tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, Nhân dân.

Trên tinh thần đó, các báo cáo viên là lãnh đạo của Tòa án nhân dân tỉnh và Công an tỉnh đã quán triệt, triển khai những nội dung cơ bản của các văn bản nêu trên. Theo đó, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 Chương, 42 Điều, quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ gồm 04 chương, 26 điều, quy định về quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài mục đích phổ biến, quán triệt kịp thời các quy định pháp luật mới đến cán bộ, nhân dân và các cơ quan, tổ chức để triển khai thi hành đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, việc triển khai Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo nhằm góp phần thiết thực trong việc bảo vệ an toàn Tết Nguyên đán Tân Sửu cũng như các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian sắp tới.  

https://stp.thuathienhue.gov.vn/
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.777.394
Truy cập hiện tại 93