Tìm kiếm tin tức
OPEC cảnh báo EU không thể thay thế dầu mỏ của Nga
Ngày cập nhật 13/04/2022
Ngày 12/4, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cảnh báo, các lệnh trừng phạt hiện tại và trong tương lai đối với Nga có thể gây ra một trong những cú sốc chưa từng có đối với nguồn cung khí đốt. Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho rằng, thay thế nguồn dầu thô của Nga từ một lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) là điều “gần như không thể”.
OPEC cảnh báo EU không thể thay thế dầu mỏ của Nga. (Ảnh: Reuters)

“Chúng ta có thể sẽ phải chấp nhận thực tế có khoảng 7 triệu thùng dầu và các chất lỏng khác của Nga sẽ bị loại khỏi thị trường xuất khẩu do các lệnh trừng phạt hiện tại và trong tương lai… Xét trong bối cảnh triển vọng nhu cầu ở thời điểm hiện tại, việc thay thế nguồn cung với khối lượng lớn như vậy là điều không thể”. Nhận định này được ông Barkindo đưa ra tại cuộc gặp cấp cao giữa OPEC và EU được tổ chức tại Vienna (Áo).

Tại cuộc gặp này, EU kêu gọi xem xét các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Nga và kêu gọi OPEC tăng thêm sản lượng dầu ra thị trường nhằm hạ nhiệt giá “vàng đen” tăng cao trong bối cảnh xung đột Ukraine vẫn tiếp tục leo thang.

Hiện, Tổ chức OPEC và các đối tác (OPEC+) kiên trì giữ nguyên kế hoạch bổ sung nguồn cung khiêm tốn ở mức 432.000 thùng/ngày kể từ ngày 1/5. OPEC+ cho biết, các nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn được duy trì và sự đồng thuận về triển vọng sản lượng đã cho thấy một thị trường cân bằng. Theo OPEC+, sự biến động hiện tại của thị trường “vàng đen” không phải do các nguyên tắc cơ bản bị xáo trộn, mà là do những diễn biến địa chính trị đang diễn ra.

Trước đó, OPEC đã từ chối lời kêu gọi của Mỹ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về việc bơm thêm dầu thô để hạ nhiệt giá dầu, vốn đã đạt mức cao nhất trong vòng 14 năm vào tháng trước sau khi Mỹ và Bỉ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Australia, Canada và Mỹ - các  quốc gia ít phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga hơn EU hiện đã cấm mua dầu từ Nga. Cho đến nay, EU vẫn chưa trừng phạt nhằm vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, khối liên minh gồm 27 nước thành viên hồi tuần trước đã ra lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga như một phần của các đợt trừng phạt mới nhằm vào nước này kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Nga hiện chiếm khoảng 1/4 lượng dầu nhập khẩu của EU. Liên minh này hiện vẫn chưa cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, nhưng đang tích cực tìm kiếm các biện pháp thay thế nguồn năng lượng từ Moskva để làm giảm nguồn thu nhập của nước này.

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc của khối vào khí đốt của Nga trong năm nay và chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc này trước năm 2030. Theo số liệu của EU, Nga hiện cung ứng 40% tổng lượng khí đốt, 27% lượng dầu và 46% lượng than tiêu thụ tại EU.

Ngày 25/3 vừa qua, Đức đã mạnh tay cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Nước này quyết định cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga để phản đối hành động quân sự của Moskva tại Ukraine.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng Đức sẽ chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trong thời gian thích hợp nhưng việc cắt đứt mọi mối quan hệ ngay lúc này sẽ khiến nền kinh tế Đức rơi vào bị động.

"Chúng tôi sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ, than đá và khí đốt của Nga nhanh nhất có thể nhưng làm điều đó ngay lập tức đồng nghĩa với việc đẩy đất nước chúng ta và toàn châu Âu vào suy thoái”, Thủ tướng Đức nói, đồng thời cảnh báo, “hàng trăm nghìn việc làm sẽ gặp rủi ro, toàn bộ các ngành công nghiệp sẽ đứng trước bờ vực"./.

 

ĐCSVN

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.791.828
Truy cập hiện tại 2.257