Tìm kiếm tin tức
Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng Cao Chất Lượng Xây Dựng Chính Quyền Đô Thị
Ngày cập nhật 07/02/2022

Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị là một trong những chủ đề mà Ðảng bộ, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đề ra cho năm 2022. Trong đó, chính quyền thành phố quyết tâm đổi mới phương pháp làm việc của cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần phục vụ, giảm dần các biện pháp mệnh lệnh hành chính…

Năm 2021, là năm đầu tiên thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội khóa XIV về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố và Nghị định số 33/2021/NÐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ. Ðồng thời, xây dựng chính quyền đô thị cũng là một trong hai chủ đề của năm 2021 theo Quyết định số 40/QÐ-UBND ngày 6/1/2021 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Với tinh thần chủ động, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, thành phố đã, đang nỗ lực triển khai các giải pháp mới, đột phá nhằm vượt qua khó khăn, ổn định tình hình kinh tế-xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo.
Theo Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, công tác xây dựng chính quyền đô thị trong năm 2021 đã tập trung vào thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, quy chế tổ chức và hoạt động của các sở, ban, ngành; thực hiện chính sách tinh giản biên chế, công tác bầu cử, công tác cải cách hành chính. Cụ thể, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại thành phố thành công tốt đẹp, đúng luật, đúng tiến độ quy định, dân chủ, an toàn với tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 99,39%. Ðây là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước nói chung và thành phố nói riêng. Ðặc biệt, thành phố là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi (thực hiện ngay mà không tiếp tục thực hiện thí điểm). Theo đó, trong nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố không tổ chức Hội đồng nhân dân tại quận và phường; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh hoạt động chuyên trách tăng hơn so với trước đây, đòi hỏi chất lượng đại biểu cần được nâng cao hơn, đáp ứng được yêu cầu tình hình mới, giúp tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước… TP. Hồ Chí Minh cũng đã từng bước chuẩn hóa quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường, chuẩn hóa tên gọi và số lượng phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận. Ðồng thời, tổ chức sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Ðức thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Các đơn vị hành chính sau sắp xếp chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 23/01/2021…
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân, để nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, năm 2022, Sở sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Ðề án "Cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Thủ Ðức" trình cấp có thẩm quyền; xây dựng Ðề án "Phân cấp, ủy quyền cho TP. Thủ Ðức". Ðồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền đô thị gắn với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao tính minh bạch của chính quyền địa phương và hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền; xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ. Tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại, kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí. Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Chính quyền thành phố quyết tâm tiếp tục đổi mới phương pháp làm việc của cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần phục vụ, giảm dần các biện pháp mệnh lệnh hành chính; thúc đẩy cơ chế phối hợp nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính giữa các ngành, các cấp; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp; luôn đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo trong công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố sẽ thành lập Tổ công tác "Quản trị thực thi", thay mặt Thường trực Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh để rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc cải cách hành chính và thúc đẩy giải quyết các vướng mắc tại các ngành, các cấp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết: Năm 2022, TP. Hồ Chí Minh sẽ sơ kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố để rút ra những việc làm được, chưa được và đề xuất, kiến nghị những vấn đề mới để tiếp tục thực hiện Nghị quyết hiệu quả hơn. Còn theo nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo để bộ máy chính quyền đô thị vận hành hiệu quả; khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; phát huy vai trò người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố cần có quy định về phân cấp, phân quyền rành mạch cùng với cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, bảo đảm và giữ vững vai trò lãnh đạo của Ðảng; phát huy hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước trong quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Ðồng chí Phạm Phương Thảo cho rằng: TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Trung ương các cơ chế, chính sách đặc thù, vừa tạo điều kiện xây dựng chính quyền đô thị, vừa hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, đô thị thông minh… để tạo hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển, khắc phục tình trạng chồng chéo, xung đột giữa các văn bản.
Nguồn: nhandan.vn

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.787.978
Truy cập hiện tại 1.320