Tìm kiếm tin tức
Xung quanh nỗ lực giải cứu kênh đào Suez
Ngày cập nhật 30/03/2021

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã ra lệnh sớm chuẩn bị để giảm tải cho tàu container khổng lồ Ever Given đang bị mắc cạn tại kênh đào Suez.

Việc giảm tải cho con tàu này là phương án thứ ba sau khi thực hiện biện pháp kéo tàu từ cả 2 phía bằng cách sử dụng tàu kéo và đào cát, bùn từ bên dưới mũi tàu bằng tàu cuốc.

Theo ông Osama Rabie, người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA), Tổng thống El-Sisi chỉ đạo không đợi 2 phương án đầu tiên kết thúc mới bắt đầu thực hiện phương án 3. Theo các chuyên gia, việc giảm tải con tàu là trường hợp xấu nhất vì việc làm này được cho là sẽ mất nhiều thời gian hơn. Hiện nhà chức trách Ai Cập đang triển khai nhiều nỗ lực để giải cứu tàu Ever Given song chưa đạt được thành công như mong đợi.

Bên cạnh đó, 2 tàu lai dắt của Ai Cập, có tên là Abdel Hamid Youssef và Mostafa Mahmoud, sẽ được tăng cường để tham gia cùng nhóm tàu cứu hộ giải cứu tàu Ever Given.

Trước đó, kịch bản bốc dỡ khoảng 600 container nhằm giảm nhẹ tải trọng của tàu cũng đã được Ai Cập và công ty cứu hộ tính đến. Ai Cập đang phải chạy đua với thời gian để sớm giải cứu "siêu tàu" mắc cạn vì quốc gia này đang thiệt hại nguồn thu từ 12-14 triệu USD mỗi ngày do giao thông trên kênh đào Suez bị đình trệ. Theo cơ quan chức năng Ai Cập, hiện số tàu ùn ứ ở cả hai đầu kênh đào này là khoảng 321 tàu.

Công ty vận tải biển Maersk cho biết công ty này và các đối tác có 22 tàu hiện đang chờ để đi qua kênh đào Suez trong bối cảnh giao thông trên tuyến đường thủy huyết mạch của thế giới này bị tắc nghẽn vì tàu Ever Given mắc cạn. Do sự cố ở kênh đào Suez, Maersk và các đối tác đã điều hướng 14 tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng.

Chờ thủy triều

Trong khi đó, hy vọng đang dồn vào đợt thủy triều dâng, được dự báo sẽ lên đỉnh cao nhất vào 22h ngày 28/3 theo giờ Ai Cập (tức khoảng 3h sáng 29/3 theo giờ Việt Nam), theo Đài ABC.

Ông Osama Rabie khẳng định nếu tận dụng thành công đợt thủy triều dâng lần này thì có thể giải cứu tàu Ever Given ngay trong đêm 28/3 (theo giờ địa phương).

Theo đài CNN, một nhóm chuyên gia cứu hộ từ 2 công ty nổi tiếng giải cứu tàu - Smit Salvage (thuộc công ty mẹ Boskalis) của Hà Lan và Nippon Salvage của Nhật Bản - đã tham gia hỗ trợ SCA đẩy tàu Ever Given nổi trở lại.

Hãng tin AP cho biết nỗ lực cứu hộ hiện tập trung vào việc nạo vét để loại bỏ cát và bùn xung quanh mạn trái mũi tàu. SCA đã triển khai các tàu kéo và máy hút bùn chuyên dụng có khả năng vận chuyển 2.000 m3 vật liệu mỗi giờ. Theo SCA, họ cần nạo vét từ 15.000-20.000 m3 cát để đạt độ sâu 12-16 m nhằm giải cứu con tàu.

Hàng tỷ USD “trôi mất” mỗi ngày

Tàu Ever Given, mang cờ Panama, có chiều dài hơn tổng chiều dài của 4 sân bóng đá và tải trọng lên tới 199.000 tấn. Khi tiến vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ, con tàu đã bị mắc cạn từ ngày 23/3. Vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua kênh đào Suez hầu như tê liệt. Đặc biệt, nhiều tàu chở dầu bị mắc kẹt tại đây được cho là nguyên nhân khiến giá dầu tăng khoảng 5%. 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu tình trạng tắc nghẽn giao thông hàng hải tại kênh đào Suez tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tới hoạt động vận tải biển của toàn thế giới. Các tàu chở hàng sang châu Âu và bờ Đông Mỹ sẽ phải đi vòng qua châu Phi. Tình trạng này sẽ làm gia tăng chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian vận tải hàng hóa.

Theo hãng tin Bloomberg, "tính toán sơ khởi" dựa trên thông tin của tạp chí hàng hải Lloyd’s List cho thấy thiệt hại từ sự cố siêu tàu Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez vào khoảng 400 triệu USD/giờ, tức khoảng 9,6 tỷ USD/ngày. Ước tính này dựa trên luồng giao thông từ Đông sang Tây trị giá khoảng 5,1 tỷ USD/ngày, trong khi luồng giao thông theo hướng ngược lại trị giá khoảng 4,5 tỷ USD/ngày.

Cần có thêm thời gian để hoàn thành những tính toán chi tiết hơn song theo báo The New York Times, với nhiệm vụ cứu hộ dự kiến kéo dài vài tuần, những con tàu khác buộc phải đi vòng qua châu Phi. Tuyến đường này dài hơn 9.656 km so với thông qua kênh đào Suez và tiêu tốn thêm khoảng 300.000 USD cho phí nhiên liệu.

Ai Cập, nước thu về 5,61 tỷ USD nhờ Suez trong năm 2020, đang tích cực khơi thông kênh đào này. Khoảng 10% lượng hàng hóa thế giới đi qua kênh đào Suez, trong đó dầu mỏ chiếm phần đặc biệt quan trọng. Vụ mắc cạn nói trên khiến giá dầu thế giới lao dốc hôm 25/3 nhưng đã quay đầu trong ngày 26/3. Dù vậy, giá dầu vẫn trên đà giảm tuần thứ ba liên tiếp. Theo Reuters, giá dầu thô ở Anh và Mỹ nhiều khả năng giảm hơn 3% trong tuần này, sau khi giảm hơn 6% vào tuần trước.

 

Chinhphu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.784.591
Truy cập hiện tại 42