Tìm kiếm tin tức
Tố Hữu – Người lĩnh xướng
Ngày cập nhật 07/10/2020
Bác Hồ nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân. (Ảnh tư liệu)

 

 

 

 

 

 

(TG) - Vào cuối những năm 50, rồi những năm 60, 70 của thế kỷ XX và cả sau này nữa, Tố Hữu thường đến báo Nhân Dân làm việc, thăm chơi, có khi là để xem một buổi bắn pháo hoa bên Bờ Hồ. Với những người làm báo đảng, anh thường nói: báo Nhân Dân phải là người lĩnh xướng trong công tác tuyên truyền - báo chí. Anh không dùng từ chỉ huy, lãnh đạo hay chỉ đạo mà dùng cụm từ “người lĩnh xướng” để nói lên vai trò của báo đảng trong “dàn đồng ca” báo chí cách mạng. 

Anh yêu cầu báo Nhân Dân phải viết được những bài cơ bản nhất, hay nhất cho những đợt học tập chính trị và nghiên cứu nghị quyết của Đảng; phát hiện, mở đường và định hướng cho các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, trong chiến đấu và trong sản xuất; bắt giọng cho các cuộc đấu tranh chống âm mưu phá hoại của địch và các quan điểm sai trái. Tố Hữu căn dặn báo Nhân Dân phải giữ vai trò người lĩnh xướng, nhưng trong thực tế lãnh đạo, chính anh lại là người lĩnh xướng ấy.

Trong bài Tố Hữu, lão tướng mặt trận tư tưởng, trước đây, anh Hoàng Tùng, cũng là một lão tướng của mặt trận tư tưởng, đã có nhận xét rằng: “Tố Hữu là một nhà tuyên truyền tài năng: diễn giảng sáng tạo đường lối chính sách, có sáng kiến biểu dương các nhân vật, các sự kiện anh hùng, phát động lần lượt các phong trào quần chúng trong cả nước, biến tư tưởng thành hành động". Hoàng Tùng cũng viết: “Là tư lệnh của một mặt trận lớn có nhiều quân chủng, binh chủng, anh (Tố Hữu) có tài phối hợp vào từng chiến dịch, từng cuộc vận động, hình thành một đại hòa tấu nhịp nhàng, hình thành sức hấp dẫn sâu sắc, thúc giục ba quân xung trận”. Tôi thấy không có lời nào hơn để viết về Tố Hữu. Chỉ xin ghi lại một vài kỷ niệm cá nhân, có phần tản mạn.

Tố Hữu, qua các dòng thơ sục sôi nhiệt huyết cách mạng, đã đến với tôi sớm hơn nhiều so với lần đầu tiên gặp mặt. Còn nhớ, ngay sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, không biết từ nguồn nào, tôi đã có được mấy bài thơ chép tay của nhà thơ xứ Huế. Đọc ngấu nghiến và nhập tâm từng lời từng chữ mà cho đến nay, hơn bảy mươi năm đã qua vẫn còn nhớ. Không phải Từ ấy mà là Trăng trối:

Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu

Dấn thân vô là phải chịu tù đày

Là gươm kề tận cổ, súng kề tai

Là thân sống chỉ coi còn một nửa.

Hồi đó, tôi vẫn còn ở tuổi thiếu niên. Cách mạng đã thành công rồi thì làm gì còn cảnh ngục tù đế quốc. Thế nhưng ai đọc mà không cảm thấy một sự thúc giục. Thực dân Pháp đã gây hấn trở lại. Kháng chiến Nam Bộ bùng nổ, Mặt trận Nha Trang vỡ. Lớp lớp chiến sĩ từ Bắc vào Nam chiến đấu. Tôi nghĩ đến một ngày xung trận ở chiến trường. Và biết đâu, mình có thể rơi vào tay giặc. Làm cách mạng là phải hy sinh. Lại nữa, bài thơ Người về. Ôi thân phận của một người tù cộng sản!

Rồi một hôm nào cởi áo xanh

Hết cùm hết xích hết roi canh

Nghiêng vai trút nhẹ đời gian cấm

Anh trở về anh của gia đình.

Nhưng cái gia đình mà anh khát khao khi trở về đâu còn nữa. Nhà anh đã mất vào tay người khác:

Chân muốn vô song lại ngập ngừng

Chó nhà đâu đã sửa người dưng...

Rồi từ trong đó, có tiếng: “Chú hỏi ai?”. Chưa kịp trả lời thì cánh cửa đã đóng sập lại! “Để ngoài sương gió chiều nghe lạnh / Bên khóm tre già, khách đứng ngây”.

Mùa hè năm 1962, trong thời gian theo học ở Trường Đảng cao cấp trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, tôi có dịp đến Lêningrát, thăm ngôi nhà - bảo tàng của danh họa Repin. Một trong những bức tranh nổi tiếng của ông có tên là Trở về, miêu tả cảnh một người tù mãn hạn giam trở lại gia đình. Giây phút ngỡ ngàng. Người tù tóc dài, râu rậm. Vợ đã già, hai tay với lấy chồng mà còn ngờ ngợ. Mấy đứa con nheo nhóc nhìn khách lạ với vẻ tò mò, đó là cha mình ư? Bất giác tôi liên tưởng đến bài thơ Người về của Tố Hữu. Cũng là hai cảnh tù trở về, sao khác nhau đến thế? Người tù dưới chế độ Sa hoàng về nhà còn được gặp lại vợ con, còn người tù cách mạng Việt Nam dưới chế độ thực dân Pháp thì mất hết. Phải chăng sự hy sinh đến tận cùng đã góp phần nâng tầm cao của khí phách? Có lần tôi đem sự so sánh nói trên, dù rất khập khiễng, nói lại với Tố Hữu, anh chỉ cười và buông hai chữ: "Rứa đó!".

Những tháng năm tôi theo học ở Liên Xô là những tháng năm mà ở cái nôi cách mạng này, khuynh hướng xét lại bùng lên và chi phối. Để bày tỏ sự phản đối, chúng tôi đã quyết định không dự lễ bế giảng, không nhận bằng tốt nghiệp và trở về nhà sớm. Đến “trình diện” Ban Bí thư Trung ương, chúng tôi nghĩ là sẽ được hoan nghênh vì đã bày tỏ được lập trường vững chắc. Không ngờ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Tố Hữu đã nghiêm khắc phê bình: “Các anh tưởng làm như vậy là các anh coi thường cái bằng. Thật ra là các anh quá đỗi coi trọng, tưởng cái bằng là ghê gớm lắm cho nên mới lấy nó để đánh đổi một quan hệ chính trị. Các anh không thấy rằng, dù thế nào đi nữa thì Đảng chúng ta vẫn ra sức gìn giữ và bảo vệ mối quan hệ anh em với Đảng Cộng sản Liên Xô... Mối quan hệ giữa hai Đảng là lớn hay cái bằng của các anh là lớn?". Đến bấy giờ chúng tôi mới té ngửa ra là đã hành động một cách dại dột và ấu trĩ.

Sự sắc sảo về chính trị của Tố Hữu là như thế. Anh sống rất tình cảm nhưng không để tình cảm lấn át lý trí, nói đúng hơn là trong anh, tình cảm và lý trí hòa quyện với nhau làm một, tạo thành bản lĩnh xử lý tính táo những trường hợp gay cấn, trong tư cách một nhà lãnh đạo chính trị, một tư lệnh chiến trường trên mặt trận tư tưởng hay trong vai trò một nhà thơ, một nhà văn hóa,

Mùa hè năm 1969, nhân dịp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đến Béc-lin dự Đại hội hòa bình thế giới, Bộ trưởng - Trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình và tôi đã tranh thủ đến thăm anh đang nghỉ điều dưỡng tại đó. Anh hỏi rất tỉ mỉ về công việc đàm phán ở Pa-ri. Chị Bình trao đổi ý kiến rất thân tình với anh và nói lên những khó khăn của chúng tôi tại bàn đàm phán. Tôi trình bày nỗi khổ của việc chuẩn bị những bài phát biểu của Trưởng đoàn ta. Tố Hữu nhẹ nhàng: “Đàm phán chưa giải quyết được gì đâu. Đấu lý thôi. Đấu lý thì phải kiên trì. Nói cho ra lý, ra lẽ. Không phải nói cho địch nghe mà nói cho đồng bào ta nghe đó”. Anh nói giống như anh Trường Chinh khi họa một bài thơ của Xuân Thủy thời ấy:

Đấu lý bao giờ cũng thế thôi

Nói đi nói lại vẫn chưa rồi

Chiến trường ta diệt thêm nhiều địch

Để quốc rồi đây sẽ hết đời.

Giải pháp cho vấn đề miền Nam trước hết được quyết định từ chiến trường, do thành quả cuộc chiến đấu kết hợp cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, nào phải chỉ dựa trên bàn đàm phán.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tôi trở lại báo Nhân Dân, được bổ sung vào Ban Biên tập, càng có điều kiện tiếp xúc và làm việc nhiều hơn với Tố Hữu. Năm 1980, khi anh được chuyển sang làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng, tôi được cử thay mặt báo Nhân Dân dự nhiều phiên họp thường kỳ của Chính phủ do anh chủ trì theo sự ủy nhiệm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng. Thời gian cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ XX, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, từ Tổng Bí thư Lê Duẩn đến các đồng chí khác trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đều rất trăn trở về việc làm sao đổi mới cơ chế quản lý kinh tế để đưa đất nước thoát khỏi những trì trệ. Tố Hữu là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của quần chúng, những sáng kiến mà từ đó, lần lượt biến thành các chủ trương và quyết định cụ thể về đổi mới của Ban Bí thư, của Chính phủ như cho các xã viên mượn đất sản xuất vụ đông; cho phép các gia đình xã viên chăn nuôi trâu bò ngoài đàn trâu bò của tập thể; thực hiện khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp - thường được gọi là khoán 100. Trong công nghiệp, cho phép các xí nghiệp quốc doanh thực hiện kế hoạch ba phần. Tôi muốn dừng lại về Quyết định 25/CP của Chính phủ vì nó có liên quan đến sự chỉ đạo của Tố Hữu. Do quyết định đó, sau một thời gian thực hiện, đã bộc lộ một số nhược điểm. Không ít ý kiến cho rằng nó phá vỡ tính thống nhất của kế hoạch nhà nước, gây rối loạn trong kế hoạch hóa và đẻ ra nhiều biểu hiện tiêu cực khác, do đó đòi xóa bỏ Quyết định 25/CP. Tố Hữu, với tư cách nhà lãnh đạo Chính phủ, vốn là người phụ trách mặt trận tư tưởng, đã gợi ý báo Nhân Dân tổ chức một cuộc thảo luận rộng rãi trên báo để lấy ý kiến từ cơ sở. Diễn đàn “Tiếng nói giám đốc” đã được mở ra trên báo Nhân Dân liền trong bốn tháng từ tháng 2 đến tháng 6/1984, với tuyệt đại đa số ý kiến của các giám đốc và các nhà quản lý kinh tế đề nghị sửa những điều cần thiết và mạnh mẽ ủng hộ Quyết định 25/CP, thực chất là yêu cầu xóa bỏ quản lý theo lối quan liêu, bao cấp, chuyển sang quản lý kinh doanh xã hội chủ nghĩa, xác lập quyền chủ động sản xuất, tự chủ về tài chính của cơ sở. Bài tổng kết diễn đàn được dư luận hồ hởi tiếp nhận. T Hữu gửi đến báo Nhân Dân lời cảm ơn, cũng như lời khen.

Đại hội lần thứ VI của Đảng đã mở ra một bước ngoặt lớn trên con đường đổi mới và phát triển. Được lần lượt giữ các nhiệm vụ Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, tôi vẫn tự coi mình là chiến binh của vị lão tướng đàn anh - Tố Hữu. Chúng tôi mời anh dự và nghe anh phát biểu ý kiến trong các hội nghị quan trọng, nói chuyện ở những cuộc họp nội bộ cơ quan, đến nhà thăm anh, “tào lao cho vui” như anh nói, thực ra là bàn luận về những vấn đề thời sự nghiêm chỉnh. Nói về đổi mới, anh căn dặn phải đánh giá cho đúng cái hay và cái dở của thời kỳ vẫn thường được gọi là kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, thực ra là một thời kỳ nhiều trăn trở và tìm tòi. Đổi mới bắt đầu từ những nhân tố đầu tiên như chủ trương làm cho sản xuất bung ra ở Hội nghị Trung ương 6 khóa IV, Chỉ thị 100 của Ban Bí thư và Quyết định 25/CP của Chính phủ... Đổi mới không phủ định quá khứ, trái lại kế thừa và phát triển, khẳng định cái đúng, sửa cái sai, tìm ra cái mới. Không được lầm lẫn việc phê phán tư tưởng chủ quan duy ý chí với việc nêu cao ý chí cách mạng tiến công, dám làm những việc lớn cho đất nước và cho đời. Không có những công trình xây dựng tầm cỡ như dầu khí Vũng Tàu - Côn Đảo, thủy điện Sông Đà và Trị An, khai phá lớn Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên thì nhất định cũng không có được những thành tựu sáng giá về nền kinh tế sau đổi mới... Tố Hữu tha thiết với đổi mới, theo dõi từng bước đi, mong muốn đổi mới không đi chệch hướng và Đảng ta luôn vững tay chèo.

Với đất nước và dân tộc, anh ra đi nhưng sự nghiệp còn ở lại:

Tạm biệt đời ta yêu quý nhất

Còn mấy dòng thơ, một nắm tro.

Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất.

Sống là cho. Chết cũng là cho.

Khiêm tốn, giản dị mà thâm tình biết bao!./.

Hà Đăng

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.802.616
Truy cập hiện tại 2.472