Tìm kiếm tin tức
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2020): Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng
Ngày cập nhật 02/10/2020

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2020): Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng

Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, Bí danh là Lành, sinh ngày 4/10/1920 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế(*). Năm 12 tuổi mẹ mất; năm 13 tuổi vào học tại trường Quốc học Huế.
Bác Hồ làm việc với nhà thơ Tố Hữu (năm 1960). Ảnh: Internet

Năm 1936, Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản và trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế;

Năm 1937, Tố Hữu gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1938, Đồng chí được cử vào Thành ủy Huế, phụ trách công tác tuyên truyền và thanh vận;

Tháng 4/1939, bị thực dân Pháp bắt và kết án hai năm tù giam ở Huế. Do đấu tranh chống tra tấn, Đồng chí bị thực dân Pháp tăng án tù và đày đi Lao Bảo, rồi Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn,... sau đó đi trại tập trung Đắk Lay (Kon Tum) trong nhiều năm.

Tháng 3/1942, Đồng chí vượt ngục Đắk Lay về Huế, sau đó ra Hà Nội; cuối tháng 7/1942, bí mật vào Thanh Hóa hoạt động, gây dựng lại cơ sở cách mạng;

Từ năm 1943 - 1945, làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, tham gia Ban lãnh đạo chiến khu Quang Trung; sau ngày Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945), được Trung ương phái vào tổ chức Ủy ban Khởi nghĩa ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và liên lạc với các đồng chí hoạt động cách mạng ở Nam Trung Bộ.

Tháng 8/1945, đồng chí Tố Hữu làm Phó Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế; năm 1946, được điều ra Trung ương phụ trách công tác văn hóa và thanh niên; cuối năm 1946, về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Từ năm 1947 - 1950, Đồng chí được Trung ương điều động lên Việt Bắc phụ trách công tác văn nghệ và làm Trưởng tiểu ban văn nghệ Trung ương; tháng 9/1950, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Tuyên truyền do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách; đồng chí Tố Hữu được phân công làm Trưởng Ban.

Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Tố Hữu được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tháng 7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 39-SL bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Nha thông tin thuộc Phủ Thủ tướng.

Cuối năm 1954, Đồng chí được phân công làm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật;

Năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Năm 1968, Đồng chí được phân công làm Trưởng ban Tuyên huấn và Trưởng ban Khoa học - Giáo dục Trung ương;

Năm 1969, được phân công làm Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (từ năm 1977 là Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc);

Năm 1972, được phân công kiêm Trưởng Ban Thống nhất Trung ương.

Năm 1976, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí Tố Hữu được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được bầu là Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và được phân công làm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc;

Từ năm 1980, được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước;

Năm 1981, được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VII, được Quốc hội cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng;

Tháng 3/1982, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng cho đến tháng 6/1986.

Từ tháng 6/1986, được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng;

Tháng 10/1991, được Bộ Chính trị phân công tham gia tổng kết, nghiên cứu một số vấn đề về tư tưởng, văn hóa, giáo dục và khoa học.

Đồng chí Tố Hữu mất ngày 9/12/2002 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Trong suốt cuộc đời gần 70 năm không ngừng nghỉ hoạt động cách mạng và làm thơ, đồng chí Tố Hữu đã có công lao, thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật, nhiều huân chương, huy chương và phần thưởng cao quý khác.

Ban Tuyên giáo Trung ương

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.803.721
Truy cập hiện tại 279