Tìm kiếm tin tức
Trưởng ban Dân vận Trung ương làm việc tại Sóc Trăng
Ngày cập nhật 19/03/2021

Ngày 3/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị Khóa XI về quy chế dân chủ ở cơ sở.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Báo cáo cáo với Đoàn công tác, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết: Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh đã kịp thời tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các nội dung về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc triển khai các Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy Sóc Trăng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện quy chế dân chủ đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, sinh hoạt lệ các đoàn thể, tổ chức họp dân; lồng ghép việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vào chương trình công tác của cấp ủy. Trong việc triển khai thực hiện, các cấp ủy Đảng đã chú trọng công tác chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Nhờ việc triển khai Kết luận số 120-KL/TW, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được nâng lên; quyền làm chủ của nhân dân, của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tiếp tục được bảo đảm, phát huy. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng; khắc phục hiện tượng quan liêu, tham nhũng, xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được nâng lên; vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác kiểm tra, giám sát, công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, mô hình xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng rõ nét, cụ thể. Từ năm 2016 đến nay, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh đã tổ chức 11 đợt giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đối với 3 loại hình tại 96 cơ quan đơn vị, địa phương. Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức 581 cuộc giám sát chuyên đề và tham gia 1.803 cuộc giám sát khác; tham gia góp ý 1.914 văn bản, tổ chức 140 cuộc phản biện xã hội…

Việc chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ được các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở nhiều nơi đã kịp thời chỉ đạo, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện ở các loại hình; chú trọng huy động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, góp phần vào việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Thực hiện quy chế dân chủ đã tác động tích cực đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm chuyển biến về phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phương thức điều hành và lề lối làm việc của chính quyền các cấp theo hướng sát dân và tôn trọng dân; quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.

Theo ông Nguyễn Phước Lộ, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương, trước đó, đoàn công tác đã làm việc với Thường vụ Thành ủy Sóc Trăng và Công ty Chế biến thực phẩm Sao Ta (TP. Sóc Trăng). Việc kiểm tra, giám sát cho thấy, các đơn vị đều đã thực hiện nghiêm Kết luận 120 của Bộ Chính trị trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Với Thành ủy Sóc Trăng, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ được triển khai nghiêm túc, đúng quy định, phát huy tối đa trí tuệ tập thể; trên cơ sở đề xuất của cá nhân, tập thể thảo luận bàn bạc dân chủ và quyết định theo đa số, nhất là trong công tác đánh giá, quy hoạch và bố trí sắp xếp cán bộ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức 35 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân trên địa bàn 10 phường; tiếp nhận, trả lời những vấn đề mà nhân dân đặc biệt quan tâm, được người dân đồng tình.

Còn tại Công ty chế biến Thực phẩm Sao Ta, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của doanh nghiệp cũng như sự chăm lo đời sống công nhân lao động được thực hiện tốt. Đặc biệt, lãnh đạo công ty đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có hướng giải quyết, bước đầu thực hiện tốt quy định, quy chế văn hóa doanh nghiệp, là động lực cho sự phát triển của công ty. Nhờ đó trong năm 2020, công ty đã giải quyết ổn định việc làm cho trên 4.000 công nhân lao động và xuất khẩu đạt kim ngạch trên 192 triệu USD…

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã trao đổi, thảo luận về những việc làm tốt, những mô hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có hiệu quả cần nhân rộng cũng như những vướng mắc cần kiến nghị, đề xuất để kịp thời tháo gỡ…

Ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, thông tin thêm: Trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Sóc Trăng làm rất bài bản, đi vào thực chất. Có thể khẳng định, hiện nay, tại Sóc Trăng không còn tình trạng khiếu kiện phức tạp, đông người. Việc xây dựng nông thôn mới được người dân tích cực hưởng ứng nhờ có sự công khai, minh bạch, lấy ý kiến của người dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn có nơi, có lúc việc thực hiện quy chế dân chủ còn mang tính hình thức; qua kiểm tra, giám sát đã được phát hiện và chấn chỉnh ngay.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai biểu dương Tỉnh ủy, các cấp ngành tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt Kết luận 120 của Bộ Chính trị về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; 100% cơ quan, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc phát huy dân chủ ở cơ sở đã góp phần nâng cao trình độ, nhận thức, ý thức trách nhiệm với pháp luật của cán bộ, đảng viên cũng như người dân. Chỉ số hài lòng của người dân ở Sóc Trăng được xếp đứng thứ 10 cả nước.

Theo đồng chí Trương Thị Mai, thực hiện tốt dân chủ sẽ tạo động lực để người dân tham gia đóng góp cho xã hội trong cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng, nhưng dân thụ hưởng những gì, cần phải làm rõ. Các tổ chức đoàn thể, mặt trận, công đoàn… cần làm tốt việc tổ chức thực hiện, giám sát, đại diện, bảo vệ cho người dân, người lao động…

Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương cũng yêu cầu các cấp, ngành trong tỉnh, các cơ quan, đơn vị cần phát huy tinh thần làm chủ của người dân; cán bộ, đảng viên cần tránh quan liêu, hình thức, phải am hiểu địa bàn, hiểu người dân muốn gì, cần gì. Việc thực hiện chính sách pháp luật, thực hiện dân chủ phải đi đôi với kỷ cương cần được thực hiện nghiêm. Vai trò người đứng đầu là rất quan trọng; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, nêu gương. Trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm dân chủ, lợi dụng dân chủ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc; xúc phạm đến tổ chức cá nhân gây bất ổn chính trị, an ninh, xã hội…

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu Sóc Trăng cần tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tiếp tục lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu người dân; đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa tiếp tục chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.

* Sáng cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã dự Lễ giao, nhận quân tại thành phố Sóc Trăng. Cùng dự có Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt, Tư lệnh Quân Khu 9; ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Tại Lễ giao, nhận quân, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã trao hoa, tặng quà và dặn dò các tân binh phấn đấu rèn luyện để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Tổ quốc giao phó.

 

Theo TTXVN

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.784.468
Truy cập hiện tại 3.034