Tìm kiếm tin tức
Cách xác định lao động nữ có được hưởng chế độ thai sản khi sinh con không
Ngày cập nhật 22/09/2020

Nhiều chị em thắc mắc không biết liệu mình có được hưởng chế độ thai sản khi sinh con hay không. 

Theo quy định tại Luật BHXH 2014, lao động nữ đóng khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản trong 02 trường hợp:

- Đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản.

- Đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Vì vậy, lao động nữ xác định xem mình có được hưởng chế độ thai sản khi sinh con hay không như sau:

Trường hợp 1: Sinh con trước ngày 15 của tháng

Trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng thì tháng sinh con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Ví dụ 1: Chị A sinh con ngày 10/01/2020 (có nghĩa tháng 01/2020 chị A sẽ không đóng BHXH do số ngày không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên) thì tháng 01/2020 sẽ không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Như vậy, thời gian 12 tháng trước khi sinh con của chị A được xác định gồm: Tháng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 năm 2019.

Trong 12 tháng này, nếu chị A có tổng số tháng đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị A được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Ví dụ 2: Tháng 8/2019, chị B chấm dứt hợp đồng lao động và sinh con ngày 14/12/2019 (trước ngày 15 của tháng) thì tháng 12/2019 không được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Như vậy, thời gian 12 tháng trước khi sinh con của chị B được xác định gồm: Tháng 12/2018, tháng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 năm 2019.

Trong 12 tháng này, nếu chị B có tổng số tháng đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị B được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Trường hợp 2: Sinh con  từ ngày 15 trở đi của tháng

- Trường hợp sinh con từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

-  Trường hợp sinh con từ ngày 15 trở đi của tháng, tuy nhiên tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Ví dụ 3: Chị A sinh con ngày 18/01/2020

- Trường hợp tháng 01/2020, chị A có đóng BHXH thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con của chị A được xác định gồm: Tháng 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 năm 2019 và tháng 01 năm 2020.

Trong 12 tháng này, nếu chị A có tổng số tháng đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị A được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

- Trường hợp tháng 01/2020, chị A không đóng BHXH thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con của chị A được xác định gồm: Tháng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 năm 2019.

Trong 12 tháng này, nếu chị A có tổng số tháng đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị A được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Trên đây là các ví dụ cụ thể khi đã xác định được chính xác ngày sinh, mọi người có thể dựa vào ngày dự sinh để tính toán tương như trên để có những quyết định chính xác đảm bảo quyền lợi của mình nhé.

Căn cứ pháp lý:

- Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

- Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015.

Quý Nguyễn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.798.892
Truy cập hiện tại 1.513