Tìm kiếm tin tức
Một số trao đổi về thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức viên chức
Ngày cập nhật 27/02/2023

Thời hạn, thời hiệu là một trong những quy định quan trọng trong việc xác định các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân khi tham gia các quan hệ pháp luật. Việc nhận thức đúng và áp dụng nghiêm chỉnh, thống nhất  thời hạn, thời hiệu và cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có ý nghĩa quan trọng trong quá trình quản lý của cơ quan nhà nước. Các quy định về thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã được luật hóa, đồng thời thường xuyên được rà soát, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý của nhà nước. 

 
 

     Thời hạn, thời hiệu là một trong những quy định quan trọng trong việc xác định các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân khi tham gia các quan hệ pháp luật. Việc nhận thức đúng và áp dụng nghiêm chỉnh, thống nhất  thời hạn, thời hiệu và cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có ý nghĩa quan trọng trong quá trình quản lý của cơ quan nhà nước. Các quy định về thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã được luật hóa, đồng thời thường xuyên được rà soát, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý của nhà nước. 

Năm 2019, quy định về thời hạn, thời hiệu trong Luật cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 đã được sửa đổi, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm kỷ luật để quy định thời hiệu xử lý phù hợp, việc tăng thời hạn xử lý kỷ luật, bổ sung những trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật và bổ sung các trường hợp không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật đã khắc phục những hạn chế đang diễn ra trong thực tiễn, tăng tính răng đe, giáo dục, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính tăng tính hiệu lực hoạt động quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức. 

   1. Khái niệm thời hạn xử lý kỷ luật

     Thời hạn xử lý kỷ luật là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

     Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 quy định: “Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày”.

     2. Khái niệm thời hiệu xử lý kỷ luật

     Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.

     Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 quy định ngoại trừ các hành vi vi phạm không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật thì thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau:

     “a) 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;

     b) 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.”

     3. Cách xác định thời hạn, thời hiệu

     Thời hạn và thời hiệu là một khoảng thời gian, có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Qua thực tiễn áp dụng các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì nhận thấy chưa có quy định cách xác định thời hạn, thời hiệu. Do đó, trong quá trình áp dụng pháp luật, phải vận dụng một số khái niệm của Luật khác để làm căn cứ xác định thời hạn và thời hiệu.

     3.1. Cách xác định thời hạn xử lý kỷ luật

     Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 thì thời hạn xử lý kỷ luật được tính bằng ngày. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 không quy định cách xác định thời điểm bắt đầu nên phải áp dụng pháp luật tương tự, cụ thể vận dụng Khoản 2, Điều 147, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định thời điểm bắt đầu của thời hạn xử lý kỷ luật: “Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định”

     Thời hạn xử lý kỷ luật được xác định bằng ngày do đó căn cứ quy định trên thì thời điểm bắt đầu của thời hạn xử lý kỷ luật được tính như sau: Ngày phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật sẽ không được tính mà thời hạn xử lý kỷ luật được tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.

     Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 cũng không quy định cách xác định thời điểm kết thúc của thời hạn do đó cần áp dụng pháp luật tương tự, cụ thể vận dụng Khoản 1, Khoản 5, Khoản 6, Điều 148, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định thời điểm kết thúc của thời hạn xử lý kỷ luật:

     “1. Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.

……

     5. Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.

     6. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.”

     Ví dụ: Ngày 21/6/2021, thông qua kiểm tra công tác tư pháp, UBND huyện phát hiện ông Nguyễn Văn A - Công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND xã B có hành vi vi phạm trong cấp giấy xác nhận tình trạng độc thân, cụ thể mặc dù biết 4 công dân nữ cư trú trên địa bàn xã đã có chồng (đi làm ăn xa) nhưng ông Nguyễn Văn A đã lợi dụng vị trí công tác có hành vi tham mưu xác nhận tình trạng hôn nhân là độc thân cho 4 công dân đó, trong 4 người được xác định độc thân đã có 1 người dựa vào giấy xác nhận độc thân này để đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Thời điểm bắt đầu của thời hạn là ngày 22/6/2021, do vụ việc không có tình tiết phức tạp nên thời hạn xử lý kỷ luật là không quá 90 ngày, theo đó thời điểm kết thúc của thời hạn xử lý kỷ luật là 19/9/2021, tuy nhiên ngày 19/9/2021 là Chủ nhật do đó thời điểm kết thúc của thời hạn xử lý kỷ luật là ngày 20/9/2021.

     3.2. Cách xác định thời hiệu xử lý kỷ luật

     Để xác định thời hiệu thì phải xác định được thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc. Việc tính thời hiệu phải tuân thủ cách tính thời hạn.

     Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 không quy định cách xác định thời điểm bắt đầu của thời hiệu, muốn xác định thời điểm bắt đầu thì cần áp dụng pháp luật tương tự, cụ thể vận dụng Điều 151 Bộ Luật Dân sự 2015 để xác định cách tính thời hiệu, cụ thể: “Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và ngày chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu”. Đối với các hành vi vi phạm quy định không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật thì không có thời điểm kết thúc.

     Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là năm, việc xác định thời điểm bắt đầu của thời hiệu xử lý kỷ luật phải tuân thủ theo cách tính thời hạn do đó, vận dụng Khoản 2, Điều 147, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định thời điểm bắt đầu của thời hiệu xử lý kỷ luật.

     Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 không quy định cách xác định thời điểm kết thúc của thời hiệu, muốn xác định thời điểm kết thúc thì phải tuân thủ theo cách tính thời hạn và cần áp dụng pháp luật tương tự, cụ thể vận dụng khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Điều 148 Bộ Luật Dân sự 2015 để xác định cách tính thời điểm kết thúc của thời hiệu:

     “4. Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.

     5. Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.

     6. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.”

     Ví dụ: Ngày 10/12/2020, ông Nguyễn Văn A, Công chức Văn hóa - Xã hội thuộc UBND xã B, sinh con thứ 3, qua xem xét thì UBND huyện nhận thấy thuộc trường hợp vi phạm quy định pháp luật về dân số, đây là hành vi vi phạm ít nghiêm trọng nên thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 2 năm. Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu xử lý kỷ luật là ngày 11/12/2020, thời điểm kết thúc thời hiệu là tính đến 24 giờ ngày 11/12/2022, do ngày 11/12/2022 là ngày Chủ nhật nên thời điểm kết thúc thời hiệu là ngày 12/12/2022.

     Trong thời hạn, thời hiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 quy định mà cơ quan có thẩm quyền không xử lý kỷ luật (trừ những trường hợp không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật và những hành vi không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật) thì cán  bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đó đương nhiên không bị xử lý kỷ luật.

     Mặc dù một số khuyết điểm, hạn chế về thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật quy định tại Luật cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 đã được rà soát, sửa đổi năm 2019 nhưng trong thực tiễn thực hiện vẫn còn một số vấn đề chưa rõ ràng, chưa thống nhất gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo rõ ràng, thống nhất:

     Một là, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 chưa thống nhất với thời hiệu kỷ luật được quy định tại Quyết định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về kỷ luật tổ chức Đảng, do đó gây khó khăn trong xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể, có một số trường hợp mặc dù bị kỷ luật Đảng nhưng không thể kỷ luật về mặt hành chính do hết thời hiệu xử lý kỷ luật, nguyên tắt “Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính…” khó có thể thực thi. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc Hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và đại biểu quốc hội đã thống nhất sửa đổi để đảm bảo đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng. Hi vọng Nghị quyết sẽ được sớm ban hành để có cơ sở áp dụng.

     Hai là, Luật cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 không quy định cách xác định thời hạn, thời hiệu nên cần áp dụng pháp luật tương tự do đó gây khó khăn trong quá trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đề nghị quy định rõ cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Ví dụ: Khoản 1, Điều 8, Luật xử lý vi phạm hành  chính năm 2012 quy định: “Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự, trừ trường hợp trong Luật này có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc”.

     Ba là, khi công bố Quyết định kỷ luật Đảng đối với Đảng viên, Cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức (hoặc cơ quan phụ trách tham mưu quản lý cán bộ, công chức, viên chức) không có trong thành phần tham gia Hội nghị công bố quyết định kỷ luật nên “trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính” gặp khó khăn và dễ xảy ra tình trạng quá thời hạn, thời hiệu, thiết nghĩ cần quy định sau khi công bố quyết định kỷ luật, tổ chức đảng ban hành Quyết định kỷ luật cần gửi Quyết định kỷ luật Đảng viên cho Cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức (hoặc cơ quan phụ trách tham mưu quản lý cán bộ, công chức, viên chức) để có căn cứ xử  lý kỷ luật hành chính.

     Trong quá trình xem xét hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, ngoài việc phải xác định đúng hành vi vi phạm, mức độ của hành vi vi phạm để áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật tương ứng theo quy định của pháp luật thì việc xác định đúng thời hạn, thời hiệu, thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc của thời hạn, thời hiệu để xem còn thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật không cũng có vai trò rất quan trọng, bởi lẽ mặc dù cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật nhưng hết thời hiệu, thời hạn thì cơ quan có thẩm quyền cũng không thể xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đó như vậy tính nghiêm minh, răng đe của pháp luật sẽ không còn tác dụng. Trong thực tiễn áp dụng thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, thời gian tới cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo đồng bộ, thống nhất./.

 

 

Nguyễn Minh Anh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.791.128
Truy cập hiện tại 2.119