Tìm kiếm tin tức
Toán học sẽ được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực
Ngày cập nhật 16/05/2022

TTH.VN - Tại buổi làm việc với Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sáng 11/5, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương mong muốn, thời gian tới, toán học sẽ được ứng dụng có hiệu quả vào các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp, môi trường… của tỉnh. Cùng tham gia buổi làm việc có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Công cụ nâng cao chất lượng sản xuất

Theo Sở NN&PTNT, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và các mô hình toán học rất quan trọng. Ngành nông nghiệp cần sự hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng các mô hình toán học trong việc phân tích thổ nhưỡng, không khí, nguồn nước phục vụ quy hoạch sản xuất nông nghiệp; áp dụng “Mô hình hóa và mô phỏng hỗ trợ xây dựng bền vững kế hoạch thích ứng” để xây dựng các kịch bản sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng  phù hợp.

“Tỉnh đang giải quyết các vấn đề phức tạp như, bồi lắng – biến động lòng dẫn sông, sạt lở bờ sông, bờ biển và vùng cửa sông ven biển; an ninh nguồn nước; an toàn hồ đập; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước; phòng chống giảm nhẹ thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn nên cần sự hợp tác ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị trên địa bàn, nhằm ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống. Ngoài ra, tỉnh cũng cần chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ trong công tác số hóa, xây dựng dữ liệu ngành nông nghiệp, đặc biệt các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, dịch bệnh, tài nguyên rừng...”, ông Nguyễn Long An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.

Đối với ngành KHCN, Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng mong muốn toán học cùng với các ngành khoa học - kỹ thuật - công nghệ khác trở thành công cụ tác động tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; ứng dụng mô hình toán dự báo biến đổi khí hậu, ứng dụng, phát triển, sáng tạo các phần mềm phục vụ hoạt động nghiên cứu trong nông nghiệp. Ứng dụng trong thiết kế, chế tạo, hoặc khai thác, sử dụng các thiết bị mô phỏng trong nông nghiệp, tự động hoá…

Để ứng dụng toán học và các lĩnh vực KHCN vào nông nghiệp và môi trường, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, Thừa Thiên Huế có truyền thống về đào tạo, bồi dưỡng học sinh năng khiếu toán. Điển hình như, Trường Quốc học Huế đã đào tạo ra các thế hệ học sinh tài năng như Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng,… Do vậy, Thừa Thiên Huế cần phải trở thành một trung tâm học thuật nói chung và toán học nói riêng của miền Trung.

Đào tạo nhân lực là mấu chốt 

Buổi làm việc ghi nhận những ý kiến tâm huyết của đoàn công tác. Giáo sư – TSKH Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, hiện nay, lực lượng nhân lực của tỉnh khá mỏng, do vậy phải có giải pháp đầu tư cho tương lai. Trong đó, không chỉ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và còn đào tạo nguồn nhân lực ở trình độ đại học, cao đẳng… “Các trường đại học cần có chính sách thu hút sinh viên vào ngành toán học. Các cơ sở giáo dục phải chú ý đến bài toán đầu vào, vì nó sẽ giải quyết được chất lượng nguồn nhân lực”, Giáo sư – TSKH Phùng Hồ Hải nhấn mạnh.

Theo Giáo sư – TSKH Phùng Hồ Hải, năng lực ứng dụng của toán học vào các lĩnh vực KHCN rất lớn, thể hiện trách nhiệm của một lĩnh vực quan trọng. Do vậy, tỉnh nên hỗ trợ để xây dựng trung tâm số liệu nhằm có cơ sở tiếp cận toán học.

“Khi đầu tư để toán học ứng dụng được vào các lĩnh vực, bài toán nhân lực rất quan trọng nên phải xây dựng đội ngũ, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp. Quá trình ứng dụng toán học cần xây dựng các mô hình phù hợp với các tham số của Việt Nam mới tạo ra hiệu quả cao”, Giáo sư – TSKH Phùng Hồ Hải nói.

Góp ý về sự phải triển của tỉnh, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa đề xuất: “Tỉnh định hướng xây dựng thành phố thông minh là rất phù hợp. Muốn phát triển nhanh thì phải kêu gọi, thu hút đầu tư, còn muốn bền vững phải tranh thủ nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ”.

Tiếp thu các ý kiến của đoàn, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, Thừa Thiên Huế rất quan tâm ứng dụng toán học vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở địa phương, xem chuyển đổi số là nền tảng đột phá trong thời gian tới. Đặc biệt, Huế đang được định hướng Huế trở thành Trung tâm KHCN của cả nước, do vậy mong muốn có nhiều hợp tác với Viện Toán học.

“Dù đang rất khó khăn nhưng nghiên cứu cơ bản vẫn là linh hồn của nhiều trường đại học ở Huế. Chúng tôi xem đây là nền tảng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi rất mong Viện Toán học có sự hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và các giải pháp học toán. Về nghiên cứu ứng dụng, chúng tôi xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là tác nhân đột phá để phát triển kinh tế xã hội”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, Thừa Thiên Huế sẽ tìm được khả năng hợp tác, để tiến tới ký kết hợp tác với Viện Toán học trong thời gian tới.

“Chúng tôi ủng hộ những đề xuất trong buổi làm việc này, khi tiến tới quá trình hợp tác, chúng ta sẽ tạo ra khung sườn để vận hành. Mặc dù lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng của Huế gặp khó nhưng Huế mạnh đào tạo hỗ trợ đào tạo. Sau khi hợp tác, chúng tôi mong muốn có những sản phẩm cụ thể”, ông Phương nói.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.804.864
Truy cập hiện tại 596