Tìm kiếm tin tức
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến: Giấc mơ cho trẻ
Ngày cập nhật 20/01/2021

Trong số những giảng viên trẻ tiêu biểu được vinh danh năm 2020, TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến (Trường đại học Y Dược, Đại học Huế) là gương mặt đặc biệt. Ở tuổi 34, chị vẫn “chưa chịu” lập gia đình. Hỏi nguyên do, chị úp mở: “Có lẽ mình đang “bận” thực hiện một giấc mơ cho trẻ em Huế”.

Từ sự rung cảm với trẻ em nghèo

Trở về sau chuyến đi cộng đồng ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến không giấu được chút thấm mệt sau những ngày hoạt động 100% công suất. Gặp tôi, vẫn thấy chị vui vẻ, gần gũi y hệt mỗi lần giao lưu với người dân, trẻ em nghèo những vùng khó khăn.

Chị bắt đầu kể chuyện cũng từ những đứa trẻ. Sinh ra ở vùng quê thôn Tứ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây), gia đình đông con lại không mấy khá giả nên chị gần gũi với khá nhiều bè bạn trong những gia đình hoàn cảnh khó khăn. Thời ĐH xông pha với nhiều hoạt động tình nguyện, hình ảnh người dân nghèo, trẻ em vùng sâu vùng xa đau bệnh răng miệng nhưng không được chữa trị đến nơi đến chốn một lần nữa trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí chị. “Muốn làm nhiều thứ lắm, nhưng chuyện mượn máy móc để chữa bệnh cho họ với sinh viên là điều khó. Đành tự hứa hẹn trong lòng”, chị Yến nhớ lại.

Tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại trường công tác, Nguyễn Thị Hoàng Yến được Khoa Răng Hàm Mặt hướng về mảng tiểu phẫu theo thế mạnh cá nhân, nhưng trong thâm tâm, bác sĩ Yến lại có mong muốn được hỗ trợ cộng đồng. Năm 2013, khi nhận được học bổng Chính phủ Nhật Bản học tiến sĩ chuyên ngành Nha khoa tại ĐH Y Nha Tokyo, người giảng viên trẻ ấy đã không ngần ngại chọn “Tình hình sâu răng của trẻ em Thừa Thiên Huế và giải pháp dự phòng sâu răng” làm đề tài luận án tiến sĩ.

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, chị về Huế một số lần để thu thập số liệu. Lần nào, chị cũng dành 1 tuần cuối cùng trước khi trở lại Nhật để khám răng miệng cho trẻ em những vùng quê nghèo. Rời phi trường Phú Bài để trở lại xứ Phù Tang với tập thống kê gần 90% trẻ từ 2-5 tuổi bị sâu răng, chị dặn lòng: “Mình phải làm được điều gì đó”.

Theo đuổi chuyên ngành Nha cộng đồng là điều nhiều người có thể đoán về TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến, nhưng dồn sức, tranh thủ các nguồn lực cho các hoạt động cộng đồng là điều không phải ai cũng rõ. Ngoài việc kết nối Tổ chức Niikura – Nhật Bản để điều phối chương trình hỗ trợ thư viện cho các trường tiểu học khó khăn ở Thừa Thiên Huế (đến nay đã được 10 trường), chị tập trung mạnh cho các hoạt động cộng đồng dự phòng sâu răng cho trẻ.

Nhắc lại chuyện cũ, TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến cho rằng, hoạt động cộng đồng đã nằm trong máu. “Mình về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học tại Nhật vào tháng 9/2017. Lúc đó, mình vừa làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, khám và điều trị bệnh ở bệnh viện, vừa đảm nhận dẫn sinh viên đi cộng đồng (theo chương trình đào tạo) để giáo dục sức khỏe răng miệng cho học sinh, khám răng, tư vấn và chữa trị một số bệnh răng miệng cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Được nhà trường và khoa ủng hộ, mình còn mượn trang thiết bị hỗ trợ người dân chữa bệnh. Mỗi lần đi là nguyên tuần ở lại, ăn ở cùng sinh viên.

Những hoạt động cộng đồng từ kế hoạch nhà trường chỉ thỏa một phần tâm nguyện của TS. Yến. Tranh thủ thời gian rảnh trong năm, nữ TS sinh năm 1986 còn tự bỏ tiền túi đi đến các vùng quê nghèo tổ chức các chương trình dự phòng sâu răng cho trẻ em hay xung phong tham gia các đoàn bác sĩ tình nguyện đi khám bệnh. Chị bảo: “Hễ có cơ hội là mình đi”.

TS. Nguyễn Văn Quang, Bí thư Đoàn ĐH Huế sau lễ tuyên dương giảng viên trẻ tiêu biểu năm 2020 cũng dành nhiều lời ngợi khen TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến. Theo TS. Nguyễn Văn Quang, cô Yến hội đủ các yếu tố đáng để vinh danh, không chỉ làm tốt công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học mà còn nhiều hoạt động thiện nguyện. Đối với cán bộ trẻ, sắp xếp được công việc để tích cực xông pha trong các hoạt động cộng đồng là rất đáng quý.

Tạm gác giấc mơ riêng

Có một điều kỳ lạ ở TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến là đến tuổi 34, “tình trạng hôn nhân” của chị vẫn đang bật “chế độ” độc thân. Gặng hỏi nguyên cớ, chị nửa đùa nửa thật: “Có lẽ nhu cầu lập gia đình chưa phải cấp thiết với mình”.

Trong cuộc trò chuyện với tôi, không ít lần chị để “lộ” thông tin sợ bị ngại cản trở các hoạt động mà mình đang theo đuổi. Đoan Như, cựu sinh viên từng theo học chị tiết lộ: “Giảng viên của trường ai cũng bận vì vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu và còn thêm công việc khám, điều trị ở bệnh viện. Tham gia thêm công việc ở cộng đồng ngốn khá nhiều thời gian mà nếu không tâm huyết, khó có thể theo đuổi đến cùng”.

Những ai đồng hành với Nguyễn Thị Hoàng Yến đều thừa nhận, từ năm 2008 khi tham gia Ban Thường vụ Đoàn trường ĐH Y Dược và chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) tình nguyện Blouse Xanh, Phó chủ nhiệm CLB Ngân hàng máu sống (2011 – 2013) đều thấy chị vẫn máu lửa như bây giờ, chỉ khác về mảng hoạt động là dự phòng bệnh răng miệng cho trẻ em. TS Yến trải lòng: “Còn sức thì còn làm. Chuyện chồng con rồi cũng sẽ tới nhưng chưa vội. Độc thân đôi khi là một lợi thế. Vì đã làm việc cộng đồng, không thể bỏ gia đình mà đi từ tuần này sang tuần khác được”.

Mỗi lần gặp tôi, chị Yến đều bảo, mình có duyên với hoạt động cộng đồng và hình như có “nợ” với trẻ em. Vì còn nhiều phụ huynh chưa hiểu về dự phòng răng miệng cho trẻ nên mình cố gắng. Cứ nghĩ là làm, biết đâu một ngày giấc mơ nhỏ cho trẻ em không bệnh răng miệng sẽ thành hiện thực.

Tháng 11/2020, TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến nhận giấy khen của Đoàn ĐH Huế trong lễ tuyên dương “Giảng viên trẻ tiêu biểu” lần thứ 1, năm 2020. Đồng thời, chị còn nhận Bằng khen của Tỉnh đoàn trong lễ tuyên dương “Giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu” lần thứ 2, năm 2020.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.792.743
Truy cập hiện tại 29