Tìm kiếm tin tức
Lãnh đạo MTTQ một số địa phương vẫn còn nể nang, ngại va chạm
Ngày cập nhật 17/08/2023

Trong thực hiện hoạt động giám sát, phản biện, ở một số địa phương lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.

 

Sáng 16.8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15.6.2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, trong 5 năm Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát. Trong đó, MTTQ cấp tỉnh giám sát được 1.981 cuộc, MTTQ cấp huyện giám sát 13.213 cuộc và MTTQ cấp xã giám sát 72.162 cuộc.

Nội dung giám sát được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp lựa chọn gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của từng địa phương được nhân dân quan tâm.

Nội dung giám sát trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm công tác xây dựng đảng, chính quyền; quản lý tài nguyên đất đai; quản lý hành chính; thực hiện trách nhiệm công vụ; lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng; công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội.

Đồng thời giám sát cả về công tác phòng, chống COVID-19, thực hiện chính sách an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp...

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua (từ năm 2018-2022), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức được 14 hội nghị phản biện xã hội với quy mô đại biểu tham gia tương đối lớn và phản biện có chiều sâu.

Các dự án Luật, đề án được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức phản biện là những dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được nhân dân quan tâm.

Ở địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện, trong đó cấp tỉnh tổ chức được 827 cuộc, MTTQ Việt Nam cấp huyện đã tổ chức 3.488 hội nghị phản biện; cấp xã đã tổ chức 19.554 hội nghị phản biện.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/QH
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, bà Ánh cũng cho biết, việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 403 của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội còn những hạn chế.

Theo đó, một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc triển khai thực hiện NQLT số 403 và các quy chế, quy định của Đảng về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương chưa thường xuyên.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương nhất là cấp cơ sở còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát; chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế, chưa đưa ra những kiến nghị cụ thể sau giám sát, chưa giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát...

Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng nhiều nơi còn hạn chế, hình thức.

Việc phản biện xã hội theo hình thức đối thoại trực tiếp giữa MTTQ Việt Nam với cơ quan, tổ chức soạn thảo văn bản chưa được thực hiện.

Việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát, theo dõi, đôn đốc, tiếp thu, phản hồi sau phản biện xã hội ở nhiều nơi chưa được chú trọng, chưa có đủ cơ chế, biện pháp, chế tài để thực hiện dẫn đến việc kiến nghị còn một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao; chưa nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với kiến nghị giám sát, phản biện.

Cũng theo bà Ánh, trong thực hiện hoạt động giám sát, phản biện, ở một số địa phương lãnh đạo MTTQ Việt Nam chưa thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát, phản biện xã hội. Cán bộ làm công tác giám sát, phản biện còn mỏng, thường xuyên thay đổi do yêu cầu luân chuyển, điều động cán bộ ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.789.201
Truy cập hiện tại 1.681