Chiều 20.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng.
Đại biểu cho biết, thời gian qua có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm được có tính đột phá và không có yếu tố vụ lợi thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật. Đề nghị cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?
Trả lời vấn đề này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao Lê Minh Trí cho biết, để bảo vệ chế độ, thực hiện lòng tin của nhân dân thì phải xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, chủ mưu vụ lợi gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu xử lý càng nghiêm khắc thì càng răn đe giáo dục chung.
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra và trong thực tiễn các vụ án đã có trường hợp thực hiện do mệnh lệnh của cấp trên, do cấp dưới tham mưu không chính xác hoặc không đầy đủ và những lý do bất khả kháng. Khi đó họ chủ động khắc phục hoàn toàn hậu quả, thấy sai để sửa và hợp tác giúp cho các cơ quan chức năng điều tra làm rõ thì áp dụng vào việc miễn, giảm, tha... đối với luật hiện hành lại không đúng.
Ông Trí cho rằng, trong giai đoạn đất nước phát triển thì những lỗi vô ý, do khối lượng công việc lớn không kiểm soát được, không có chủ đích chiếm đoạt vụ lợi thì nên rà soát, sửa lại điều luật cụ thể để xử lý.
Viện trưởng Lê Minh Trí lấy ví dụ các vụ án lớn như Việt Á, các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền có chủ trương phân hóa làm 3 loại (xử lý nghiêm, giảm tội, loại còn lại là không xử lý hình sự).
Do đó, để việc này được thực thi, ông Trí đề nghị phải cụ thể hóa bằng luật pháp. Nếu Đảng không quy định nhưng hành vi cụ thể là hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả thì sẽ vướng.
"Việc này là việc lớn, đề nghị có chủ trương, có chỉ đạo, có phân công nhóm các cơ quan ngồi lại với nhau rà soát về mặt pháp luật, về chủ trương để điều chỉnh" - ông Trí nói và đề nghị xem xét lại chế tài khung hình phạt. Theo đó, nên giảm hoặc tăng chế tài phạt tiền để đảm bảo xử lý nghiêm kẻ cầm đầu nhưng nhân văn với người không vụ lợi.
Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí, trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật, không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi. Vì vậy, chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù.
Ông Trí cũng cho biết, với những người làm trong lĩnh vực đất đai rủi ro rất lớn. "Cái nào nghiêm thì phải xử lý nghiêm để răn đe giáo dục; cái nào nhân văn để ổn định để phát triển thì phải xử lý nhân văn", ông Trí nhấn mạnh.