Điều kiện thay thế hình thức tạm giam bằng bảo lãnh đặt tiền "chặt chẽ"
Tại phiên chất vấn với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) Lê Minh Trí chiều nay (20.3), đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) - cho rằng, việc thay thế hình thức tạm giam bằng bảo lãnh và đặt tiền cần phải đảm bảo căn cứ theo quy định pháp luật. Tuy nhiên trong thực tế vẫn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Qua việc đánh giá sự cấp thiết của việc áp dụng việc pháp tạm giam trong từng trường hợp cụ thể, với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, đại biểu đề nghị Viện trưởng Viện KSNDTC đánh giá việc áp dụng các biện pháp này thời gian qua như thế nào?
Trả lời câu hỏi về việc thay thế tạm giam bằng bảo lãnh và đặt tiền, Viện trưởng VKSNDTC cho biết, theo quy định của pháp luật, biện pháp bảo lãnh đặt tiền được thực hiện thay thế cho tạm giam, với những điều kiện chặt chẽ về quy trình, tiêu chí, điều kiện, sự xác nhận của chính quyền.
Căn cứ quy định của pháp luật, cơ quan tố tụng cần thận trọng, khách quan trong việc xem xét, quyết định việc áp dụng hình thức bảo lãnh hoặc đặt tiền để đảm bảo việc thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn.
Với các trường hợp thực hiện bảo lãnh nhưng sau đó đối tượng bỏ trốn hoặc phạm tội khác, cần lưu ý làm rõ quy trình xem xét, quyết định, thực hiện có đúng quy định của pháp luật hay không, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, tùy theo mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý nghiêm minh đúng theo quy định của pháp luật.
"Nhận thức khác nhau làm sao xử đúng được?"
Đặt câu hỏi chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) - cho hay, theo báo cáo cũng như các phát biểu trả lời chất vấn từ sáng tới giờ đều cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế trong quá trình tố tụng đều là do nhận thức, cách hiểu chính sách, pháp luật chưa thống nhất gây ra những khó khăn trong quá trình xét xử…
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, vấn đề này đặc biệt rất quan trọng, vì "nhận thức mà còn khác nhau thì làm sao xử đúng được".
"Sáng nay, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã nói, ngành đã có văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, hướng dẫn này liệu có được sử dụng trong tất cả hệ thống trong quá trình xét xử không? Đề nghị Viện KSNDTC làm rõ hơn, kỹ hơn để các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri được rõ vấn đề này?" - ông Hạ đặt câu hỏi.
Trả lời nội dung này, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí nêu rõ: Theo quy định của pháp luật, giải thích luật thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hướng dẫn luật là nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán tối cao; sửa luật là Quốc hội.
Với nỗ lực của Quốc hội trong những nhiệm kỳ gần đây, số luật ban hành nhiều, cơ bản đáp ứng được cơ bản yêu cầu quản lý xã hội, quản lý kinh tế, quản lý đất nước.
“Tuy nhiên, khi ban hành nhiều luật, có vướng mắc là nghị định, thông tư chưa ban hành kịp và vẫn chưa khắc phục được tình trạng này. Vì vậy, cơ quan chức năng từ giải thích luật đến hướng dẫn luật tăng cường hiệu quả trong việc giải thích luật, còn cơ quan chức năng trong đó có Viện KSNDTC sẽ tổng hợp trở lại và báo cáo Quốc hội” - ông Trí nói.