Phát biểu kết thúc phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20.3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, căn cứ kết quả phiên chất vấn đối với từng lĩnh vực, kết luận từng nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sẽ được nêu trong nghị quyết này và yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành quan tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, trong công tác xét xử, đề nghị Chánh án TAND tối cao tiếp tục triển khai các giải pháp, nhất là các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; bảo đảm tranh tụng trong xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp, chấp hành nghiêm thời hạn xét xử được luật định.
Xét xử các vụ án hình sự phải bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm gần đây trong lĩnh vực chứng khoán, đăng kiểm, đấu thầu; đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thực hiện nghiêm quy định của pháp luật hình sự về công tác xử lý đối với người phạm tội tham nhũng, chức vụ. Trong đó nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu; có hành vi khoan hồng với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tự nguyện sửa chữa...
Chú trọng công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án để giảm bớt các vụ án phải mở phiên tòa xét xử và góp phần giải quyết triệt để hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện.
Tiếp tục triển khai hiệu quả việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, góp phần giảm thiểu thời gian, công sức cho người dân, cơ quan tổ chức tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí cho xã hội. Tăng hiệu quả giải quyết đối với một số loại án nhất là án hành chính; chỉ đạo các tòa án có biện pháp khắc phục khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất để bảo đảm cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Thứ hai, trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao tiếp tục triển khai các giải pháp để triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác, chấp hành nghiêm thời gian tố tụng; khắc phục triệt để việc xảy ra một số trường hợp oan.
Việc truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hiện quyền công tố. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm và chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu, mọi quyết định phê chuẩn việc khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác phải bảo đảm đúng căn cứ điều kiện theo luật định.
Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục có giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra để hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. Chú trọng phát hiện oan sai để xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Đẩy nhanh việc bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước và xử lý nghiêm trách nhiệm của người làm oan theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đề xuất chính sách cụ thể để thu hút các chuyên gia về công tác tại tòa án và viện kiểm sát. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước đối với các biện pháp kiểm soát quyền lực. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tham nhũng tiêu cực trong hoạt động tư pháp.