Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/1/2022 (gọi tắt là Đề án 06), xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình từng năm. Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia để phục vụ các nhóm tiện tích như: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế - xã hội; công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp…
Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 80 / KH-UBND triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch bám sát nội dung của Đề án 06 để phân công nhiệm vụ, thời gian lộ trình thực hiện cụ thể đối với từng Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan. đồng thời để đảm bảo việc triển khai Đề án 06 được toàn điện, huy động sự vào cuộc chỉ đạo xuyên suốt của UBND tỉnh, bảo đảm đúng lộ trình đề ra của Đề án trong từng giai đoạn, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành các quyết định thành lập và Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh trao đổi tại hội nghị
Tỉnh đã triển khai thực hiện nhóm nhiệm vụ phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích theo nội dung của Đề án. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND xã và Bộ phận một cửa các cấp đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nhất là 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu liên quan đến người dân ban hành kèm theo Đề án 06; chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử thay cho phương thức truyền thống.
Đến nay tại Bộ phận một cửa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã triển khai 3.174 dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3: 2.221 thủ tục, mức độ 4: 953 thủ tục); Từ 01/01/2022 đến nay, đã tiếp nhận 3.248 hồ sơ trực tuyến (mức độ 3: 3.244 hồ sơ, mức độ 4: 04 hồ sơ). Công an tỉnh đã xây dựng Kế hoạch cấp CCCD và định danh điện tử cho công dân trên địa bàn tỉnh trong năm 2022. Trước mắt từ nay đến 30/4/2022 sẽ cấp CCCD kèm định danh điện tử cho 100% công dân sinh năm 2004, 2007 chưa được cấp CCCD.
Toàn tỉnh đã thu nhận được 917.613 hồ sơ CCCD gắn chip. Từ ngày 25/02/2022, tại các bộ phận thu nhận hồ sơ cấp CCCD trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cấp định danh điện tử cho công dân có nhu cầu và thực hiện tích hợp các giấy tờ: Giấy phép lái xe, Đăng ký xe, Bảo hiểm xã hội,... đã thực hiện tiếp nhận 5.995 trường hợp đề nghị cấp định danh điện tử. Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tiến hành rà soát, kiểm tra, xác minh thông tin 74.543 người lao động đóng bảo hiểm xã hội của 2.283 đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm nhưng chưa được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Cục C06 - Bộ Công an cung cấp để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, UVTV Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương cần quán triệt tinh thần xem đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng để triển khai thực hiện tốt trong thời gian tới. Trên cơ sở kế hoạch, nội dung Đề án đề nghị các cấp, các ngành phải cụ thể hoá bằng khung kế hoạch, căn cứ thực tiễn và nội dung cụ thể để triển khai đề án. Qua đó tìm các giải pháp cụ thể để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Tập trung công tác tuyên truyền, định hướng cho xã hội, vận động người dân bằng nhiều hình thức để người dân thấy được lợi ích của Đề án, về những đóng góp vào lợi ích chung, cũng như là lợi ích cho mỗi người dân; phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, làm nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các sở, ngành, địa phương trong triển khai Đề án; góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về người dân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước. Cần tăng cường công tác kiểm tra, đốc thúc để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả. Có cơ chế báo cáo thông tin nội dung cụ thể và thông tin từ cơ sở để có sự nắm bắt, thống nhất, phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành để rà soát, kiểm tra, giải quyết, xử lý các thông tin về công dân còn thiếu, sai khác trên cơ sở dữ liệu với giấy tờ công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công an tỉnh cần đẩy nhanh công tác cấp CCCD, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo dữ liệu dân cư luôn "đủng, đủ, sạch, sống". Đề nghị Sở TTTT phối hợp hướng dẫn các sở, ngành, địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính các cấp. Công an tỉnh và các địa phương phối hợp để sử dụng dữ liệu liên thông có tính thống nhất, đảm bảo yếu tố bảo mật dữ liệu của công dân. Đồng thời xây dựng nguồn lực để đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu công việc triển khai Đề án 06.