Tìm kiếm tin tức
Tổng Bí thư Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
Ngày cập nhật 08/04/2022
Với 79 năm tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng và gần 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, đồng chí Lê Duẩn đã có nhiều đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam, thể hiện ở những quyết sách mang tính đột phá và tầm nhìn xa trong tư duy lãnh đạo của mình.
Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Tây Hiếu, tỉnh Nghệ Tĩnh, ngày 22/4/1979. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những công lao to lớn và cống hiến xuất sắc của đồng chí với cách mạng Việt Nam và nguyện noi theo tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Lê Duẩn (1907-1986) tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907 ở làng Bích La, xã Triệu Đông (nay là xã Triệu Thành), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống yêu nước, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường cách mạng vô sản. Năm 1925, Lê Văn Nhuận rời gia đình đi tìm việc làm và chính thức tham gia hoạt động cách mạng.

Từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành đến với “đường cách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên năm 1928, đến giữa năm 1930, đồng chí đã trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn và Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh cùng các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội 1968 (Ảnh tư liệu)

Người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam

Do được hoạt động, gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí nhận được sự dìu dắt và chỉ đạo trực tiếp của Người. Đó là điều kiện thuận lợi để đồng chí tiếp thu và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực công tác do tổ chức phân công. Với tư duy mẫn tiệp, ý chí kiên cường, nhiệt tình cách mạng cháy bỏng và tấm lòng cộng sản trong sáng, đồng chí được nhân dân và cách mạng tin tưởng giao phó nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta: Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ; Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam; Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1939, khi được giao trọng trách Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng, chủ trì Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1939. Hội nghị đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam; từ đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh chuyển sang đấu tranh nhằm mục tiêu trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc, thực dân và phong kiến tay sai, chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới giành chính quyền về tay nhân dân. Nghị quyết Hội nghị đã khẳng định những tư tưởng chiến lược của cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định từ Hội nghị thành lập Đảng (1930). Đây là bước mở đầu của cao trào cách mạng mới, tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, trên cương vị là Phó Bí thư, rồi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và từ sau Đại hội II của Đảng (1951) là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. Đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương Đảng đề ra, cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, giải quyết một loạt vấn đề quan trọng: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất các lực lượng vũ trang, chia cấp ruộng đất cho người nông dân nghèo, củng cố liên minh công nông, phát huy sức mạnh tuyên truyền lớn của Mặt trận dân tộc thống nhất, động viên mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chống giặc cứu nước, làm thất bại hoàn toàn âm mưu địch đánh chiếm Nam Bộ, tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, lấy đó làm bàn đạp để thôn tính cả nước ta. Từ thành công của kháng chiến ở Nam Bộ, Đảng ta đã rút ra những kinh nghiệm quý báu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp và cho cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước sau này.

Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ở vào một thời điểm lịch sử đầy thử thách cam go và nặng nề, cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của dân tộc là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, đương đầu với một đế quốc có tiềm lực quân sự và bộ máy chiến tranh khổng lồ, đồng chí Lê Duẩn là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Trung ương Đảng về phong trào cách mạng miền Nam. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Trung ương Đảng hoạch định, phát triển và từng bước hoàn chỉnh đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm bám sát cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, đồng chí đã soạn thảo văn kiện nổi tiếng Đề cương cách mạng miền Nam, góp phần hướng dẫn cán bộ, nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo, làm dấy lên không khí phấn chấn, tràn đầy niềm tin tưởng, tạo ra phong trào đồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam. Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo mà Đề cương cách mạng miền Nam nêu lên là cơ sở để ra Nghị quyết Trung ương 15 (khóa II), tiếp đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, góp phần vào việc hoạch định chiến lược cách mạng hai miền Nam - Bắc trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước. 

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, cùng với Bộ Chính trị và BCHTW Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giữ vững quyết tâm chiến đấu, biến đau thương thành hành động cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện xuất sắc Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982) của Đảng và nhiều Hội nghị Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với BCHTW từng bước xây dựng một hệ thống quan điểm về chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và đã lãnh đạo thực hiện đạt được những thành tựu quan trọng, đó là: việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu của CNXH; là sự đảm bảo vững chắc về chính trị và an ninh quốc phòng của Tổ quốc; là những thành tựu về văn hóa, đạo đức, cùng quan hệ tốt đẹp giữa người với người do chế độ XHCN đem lại. Với những thành tựu đó, đất nước ta đã đứng vững trước những thử thách khắc nghiệt trong những năm sau chiến tranh với bao biến động chính trị quốc tế to lớn để tiếp tục tiến lên con đường cách mạng mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn lựa.

Nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam

Có mặt trong đội ngũ những người cộng sản ngay từ khi Đảng mới ra đời, với gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 26 năm trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn thể hiện rõ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhà lý luận xuất sắc, có tầm cỡ chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Trưởng thành trong thực tiễn cách mạng, dạn dày kinh nghiệm đấu tranh, đồng chí Lê Duẩn rất coi trọng nghiên cứu lý luận, học tập lý luận, rèn luyện tư duy lý luận của cách mạng Việt Nam. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đồng chí đã góp phần quan trọng cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương hoạch định đường lối và phương sách cách mạng đúng đắn, sáng tạo đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành nhiều thắng lợi huy hoàng, giải phóng miền Nam, đưa cả nước thống nhất tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đồng chí đã để lại cho chúng ta di sản tư tưởng lý luận phong phú trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, xây dựng Đảng...

Trong đó, nổi bật là tư duy lý luận về xây dựng Đảng. Đồng chí Lê Duẩn đã dành nhiều công sức cho xây dựng đường lối chính trị đúng đắn, kết hợp công tác tư tưởng với công tác tổ chức, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng ngang tầm yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Đồng chí chỉ rõ: Phải đặc biệt chú trọng tới chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ và sự đoàn kết trong Đảng, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng - chính quyền - đoàn thể, mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước với nhân dân. Không ngừng nâng cao tính tiên phong gương mẫu của đảng viên, sức chiến đấu của Đảng, chăm lo củng cố khối đoàn kết dân tộc và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động bằng cách đem lại lợi ích thiết thân hằng ngày cho họ, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, thuyết phục và thúc đẩy họ bằng việc làm, bằng hành động thực tế, lời nói đi đôi với việc làm, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Muốn vậy phải kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, xa dân, vi phạm quyền làm chủ của dân, ra sức học tập và thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư theo gương sáng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về chiến tranh nhân dân Việt Nam, đồng chí đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng, về đường lối kháng chiến và phương thức tiến hành chiến tranh trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đồng chí Lê Duẩn đã đúc kết rằng, chiến tranh nhân dân Việt Nam bao gồm 2 lực lượng: lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng giành chính quyền, làm chủ ngay trong chiến tranh. Đường lối chính trị của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là dựa vào sức mạnh đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc, lấy công - nông liên minh làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Những quan điểm đó được đồng chí đúc rút và vận dụng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí đã có những cống hiến quan trọng vào quá trình chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng, nổi bật lên một số tư duy chiến lược như: tư tưởng dám đánh, dám thắng đế quốc Mỹ xâm lược; nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công và nghệ thuật đánh thắng từng bước; sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang, với hai hình thức đấu tranh cơ bản chính trị và quân sự; đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp. Một đặc trưng nổi bật trong tư duy chiến lược của đồng chí Lê Duẩn là tinh thần độc lập, tự chủ. Đồng chí thường nhắc nhở: ta đúng vì ta độc lập, tự chủ và có độc lập, tự chủ thì mới có sáng tạo. Trước những tác động khách quan của tình hình quốc tế, Đảng ta vẫn giữ vững đường lối, cách làm của mình đồng thời thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế đúng đắn. Do đó cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.

 Tổng Bí thư Lê Duẩn với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội (29.3.1982). (Ảnh: Thế Trung/TTXVN)

Về cách mạng XHCN ở Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp quan trọng trong việc tìm ra con đường phù hợp để đưa nước ta từ nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau khi đất nước thống nhất, cả nước cùng tiến lên CNXH, đồng chí đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định và hoàn chỉnh đường lối cách mạng XHCN ở nước ta. Đường lối ấy thể hiện những tư tưởng lớn của đồng chí về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; về nắm vững chuyên chính vô sản và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; về tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, coi công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ; về nền văn hóa mới và con người mới XHCN; về cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý…

Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, nhiều vấn đề đã được đồng chí Lê Duẩn làm sáng tỏ về mặt lý luận, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn và sáng tạo. Đồng chí để lại cho chúng ta hàng loạt những tác phẩm lý luận có giá trị, tiêu biểu như: Đề cương cách mạng miền Nam, Thư vào Nam, Cách mạng XHCN, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng…

Công lao và cống hiến của đồng chí Lê Duẩn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt những tư tưởng sáng tạo của đồng chí về lý luận và đường lối cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đã nâng trình độ tư duy lý luận của Đảng ta, dân tộc ta lên một tầm cao mới, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của cách mạng thế giới.

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 7/4/2022) là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những công lao to lớn và cống hiến xuất sắc của đồng chí với cách mạng Việt Nam và nguyện noi theo tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

 

ĐCSVN

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.699.937
Truy cập hiện tại 1.870