Tiếp tục chương trình công tác, chiều nay (29/3), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác làm việc với Ban chấp hành (BHC) Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại phiên làm việc.
Một trong những nội dung trọng tâm là kết quả thực hiện Nghị quyết 13 năm 2002 của BCH Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đánh giá cao Đồng Tháp phát huy tốt vai trò của kinh tế tập thể với nhiều mô hình hiệu quả, Chủ tịch nước nhấn mạnh, không thể phát triển nếu 10 triệu hộ nông dân, 17 triệu mảnh ruộng thiếu sự liên kết và hợp tác, đồng thời khẳng định lại chủ trương quan trọng của Đảng ta là kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Báo cáo Chủ tịch nước tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, năm 2021, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Đồng Tháp đã thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế tăng trưởng 2,22%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 56,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,36%. Trong quý 1 năm nay, kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc và phục hồi trên hầu hết các lĩnh vực.
Tỉnh cũng đã đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 13 năm 2002 của BCH Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tính đến đầu năm nay, tỉnh có gần 1.070 tổ hợp tác, giảm mạnh 83% so với cuối năm 2002. Nhiều tổ hợp tác hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, giải quyết việc làm và nâng lên thành hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên hầu hết các tổ hợp tác chưa có phương án tổ chức các hoạt động cung ứng cho tổ viên, chưa tạo được thu nhập cho tổ viên và không góp vốn sản xuất kinh doanh.
Về hợp tác xã, đến nay có 214 HTX, trong đó có 185 HTX nông nghiệp, 17 Quỹ tín dụng nhân dân, 13 HTX vận tải, tổng vốn hoạt động của các HTX khoảng 1.100 tỷ đồng. Doanh thu bình quân mỗi HTX khoảng 3 tỉ đồng mỗi năm, lãi bình quân khoảng 320 triệu đồng một HTX. Thu nhập của lao động thường xuyên khoảng 70 triệu đồng/năm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2021, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã làm tốt công tác xây dựng Đảng, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội; tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Đồng Tháp cũng đã thực hiện tốt mục tiêu kép, trách nhiệm với nhân dân. Trong các nhiệm vụ kinh tế xã hội thì đã duy trì được tăng trưởng, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với kinh tế nông nghiệp khá rõ nét, hiệu quả.
Điểm ấn tượng với Đồng Tháp đó là là xây dựng nông thôn mới, phát triển các hội quán và các hợp tác. Có nhiều sản phẩm OCOP góp phần nâng cao mức sống của người dân. Năm qua, tỉnh có thêm 104 sản phẩm OCOP, nâng lên 265 sản phẩm OCOP, đứng thứ 3 cả nước, sau TP.HCM và Hà Nội. Tỉnh đã có 97 xã, 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,36% là một cố gắng của tỉnh, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung cả nước.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nói: "Đồng Tháp tiếp tục phấn đấu là tỉnh tiên phong ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long về tinh thần đổi mới, năng động. Khai thác tốt hơn tiềm năng lơi thế địa phương, tiếp tục tạo lập cạnh tranh mới trên cơ sở duy trì thứ hạng ở hạng cao nhấ môi trường kinh doanh, kết nối các tỉnh trong vùng và với TP.HCM trên các mặt hạ tầng, nguồn nguyên liệu, thị trường. Định hướng này rất quan trọng, thúc đẩy làm sao gần thị trường hơn, gần TP.HCM hơn, gần Cần Thơ hơn để mà cùng phát triển. Căn cứ vào quy hoạch, tỉnh cần hoàn thiện quy hoạch tỉnh sát đúng, khoa học, đồng bộ, lâu dài, trong đó gắn với quy hoạch vùng, tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trong đó có chủ trương khuyến khích tích tụ đất đai, tạo các vùng hàng sản xuất hóa tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung phát triển một số loại cây trồng vật nuôi chủ lực, trong đó xác định xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, những sản phẩm đó chỉ ở Đồng Tháp chúng ta có".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác làm việc với Ban chấp hành (BHC) Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp.
Chủ tịch nước đánh giá cao Đồng Tháp thực hiện tốt Nghị quyết 13 của BCH Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhờ đó số HTX tăng 67%, nhiều tổ hợp tác, hội quán và HTX có mô hình hoạt động có chiều sâu hơn, sản xuất gắn với thị trường, nâng cao thu nhập của người dân. Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh, kinh tế tập thể, các tổ hợp tác, các HTX là sự phát triển tất yếu khách quan trên thế giới. Do đó, cần thiết phải tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 13 của BCH Trung ương khóa IX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các chủ trương của Đảng về kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là HTX.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Sự cần thiết về kinh tế tập thể, từ Liên Hợp Quốc, cho đến kinh nghiệm Nhật Bản, Hà Lan và nhiều nước trên thế giới đều khẳng định, kinh tế tập thể, trước hết là kinh tế HTX là một quy luật tất yếu. Chúng ta không thể nào có 10 triệu hộ riêng rẽ, không thể có 17 triệu mảnh đất riêng rẽ mà có thể phát triển lên trong môi trường cạnh tranh nặng nề hiện nay. Cho nên phát triển kinh tế HTX là quy luật tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Bài học của thế giới chúng ta cần rút ra, áp dụng vào Việt Nam, nhất là các địa phương còn nhiều khó khăn như Đồng Tháp. Kinh tế hợp tác và HTX là con đường để người sản xuất nhỏ vươn lên cạnh tranh thành công trong nền kinh tế thị trường. Cho nên phải khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình HTX, đó là lợi thế về xã hội, lợi thế về số đông để tạo ra sự thay đổi sâu sắc căn bản về phương thức sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn. Vì lợi ích đó nên phát triển kinh tế HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ của cả hợp tác chính trị".
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Liên minh HTX Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình, là cầu nối giữa nhà nước và HTX, hỗ trợ các HTX và triển khai Nghị quyết 13 của Trung ương. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Liên minh HTX Việt Nam cần “thổi” tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết vào cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; kiểm tra, đôn đốc triển khai nhân rộng các mô hình HTX hiệu quả tại các địa phương. Nghiên cứu hợp tác quốc tế để đổi mới mô hình quản trị của các HTX để nâng cao hiệu quả hoạt động./.
VOV.VN