Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia....
Giảm dần bội chi ngân sách nhà nước; quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030.
Mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể của Chiến lược là đảm bảo nguồn lực tài chính ngân sách góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng. Cụ thể, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân không thấp hơn 16% GDP và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 16 -17% GDP. Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 13 - 14% GDP và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 14 - 15% GDP.
Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước đến năm 2025 khoảng 85 - 86%, đến năm 2030 khoảng 86 - 87%.
Quản lý chi ngân sách nhà nước hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; ưu tiên chi đầu tư phát triển và đảm bảo nguồn lực cho chi trả nợ, tăng cường nguồn lực ngân sách nhà nước cho dự trữ quốc gia, tăng chi đầu tư phát triển con người và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước bình quân khoảng 62 - 63%, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước bình quân khoảng 28%. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%. Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tích lũy từ ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển.
Giai đoạn 2021 - 2030, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước để sẵn sàng ứng phó nhanh, hiệu quả trong các tình huống đột xuất, cấp bách và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo an toàn nợ công
Giảm dần bội chi ngân sách nhà nước; quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia. Cụ thể, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước để đạt được chỉ tiêu bội chi ngân sách trong Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021 - 2025 bình quân khoảng 3,7% GDP; đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP. Trường hợp có biến động, rủi ro lớn, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.
Phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính và dịch vụ tài chính
Phát triển thị trường chứng khoán ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu với thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Đến năm 2030, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP, trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP.
Phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt khoảng 3 - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt khoảng 3,3 - 3,5% GDP.
Phát triển ổn định thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán; nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán. Đến năm 2025, đảm bảo 100% doanh nghiệp, đơn vị có quy mô lớn được kiểm toán báo cáo tài chính, không phân biệt loại hình hoạt động, hình thức sở hữu; tăng cường tính minh bạch trong lĩnh vực thẩm định giá, từng bước nâng cao năng lực, chất lượng thẩm định giá.
Đẩy nhanh việc đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công lập; thực hiện tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Cụ thể, hoàn thiện thể chế về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đối với một số lĩnh vực cơ bản. Giai đoạn 2021 - 2025, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020. Giai đoạn 2026 - 2030, giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.
Đến năm 2025, hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Đến năm 2030, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Đẩy nhanh thực hiện giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ công
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức quản lý điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; đẩy nhanh thực hiện giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ công. Đến năm 2025, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, đảm bảo kết nối dữ liệu đến các bộ, ngành, địa phương.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số, thực hiện hiện đại hóa nền tài chính quốc gia.
Xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp công khai, minh bạch và hiệu quả; xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới; dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.
Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kế toán nhà nước số, góp phần hình thành Kho bạc số vào năm 2030; đẩy mạnh hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng dự trữ quốc gia, quản lý giám sát thị trường chứng khoán theo hướng hiện đại, hiệu quả.
3 đột phá chiến lược tài chính
Quyết định nêu rõ 3 đột phá chiến lược tài chính gồm:
1- Đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ và hội nhập; thực hiện đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phát triển thị trường tài chính hiện đại, minh bạch và bền vững.
2- Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số.
3- Khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về phục hồi và phát triển kinh tế.
Chinhphu.vn