Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần quán triệt thật sâu sắc, cụ thể, triển khai thực hiện thật tốt các nội dung chính sách về người cao tuổi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp mặt đoàn đại biểu về dự Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam và Nghị quyết Đại hội...
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam
Chiều 22/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các đồng chí Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, cùng tất cả hội viên người cao tuổi trên cả nước lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong truyền thống lịch sử, văn hoá và đạo đức của người Việt Nam ta từ xưa đến nay, người cao tuổi luôn luôn được đề cao, được tôn trọng: "Kính già, yêu trẻ", "tuổi cao gương sáng", "kính lão đắc thọ", "tuổi cao ý chí càng cao", "uống nước nhớ nguồn". Trong suốt chiều dài lịch sử, người cao tuổi có nhiều đóng góp to lớn cả trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hội nghị Diên Hồng thời Trần là một biểu tượng của ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm, đồng lòng bảo vệ đất nước của các bậc phụ lão và nhân dân cả nước.
Truyền thống, di sản vô cùng quý báu của người cao tuổi Việt Nam tiếp tục được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề", người cao tuổi là "vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam".
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những kết quả nổi bật trong nhiệm kì V và trong quá trình xây dựng đất nước, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Trong suốt chiều dài lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người cao tuổi đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng, thực sự là “vốn quý của dân tộc”, “là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam” như lời Bác Hồ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhiều lần đánh giá.
Đến nay, Hội Người cao tuổi đã tập hợp, thu hút 9,7 triệu hội viên, sinh hoạt ở 10.367 Hội cơ sở, 88.412 chi hội, 171.982 tổ hội. Giai đoạn 2016-2021, Hội Người cao tuổi các cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm, 2 chương trình công tác lớn, 2 nhiệm vụ Chính phủ giao, làm nòng cốt đẩy mạnh công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Hằng năm, Hội tuyên truyền kết nạp trên 43.000 hội viên mới; có 1,1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ; trên 1,9 triệu người cao tuổi được tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe; 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kì; trên 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; đa số các bệnh viện thực hiện ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên. Bình quân mỗi năm, Trung ương Hội trích một tỉ đồng từ Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam để tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công, cán bộ, hội viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Thay mặt người cao tuổi cả nước, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Nguyễn Thanh Bình cũng nêu bật những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai nhiệm vụ như: Mô hình tổ chức Hội còn chưa đồng bộ, liên thông, có nơi là Hội, nơi lại là Ban Đại diện dẫn đến khó khăn trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động. Hiện có trên 65% người cao tuổi sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, một bộ phận người cao tuổi không có thu nhập, đời sống khó khăn rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Nhận thức về vai trò người cao tuổi của một số cấp ủy, chính quyền về người cao tuổi và Hội Người cao tuổi chưa đầy đủ, chưa thật sự quan tâm và tạo cơ hội để người cao tuổi được tham gia các hoạt động xã hội, tích cực phát huy vai trò người cao tuổi.
Trước xu thế già hóa dân số nhanh, bối cảnh và tình hình mới như hiện nay, người cao tuổi mong muốn Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các Ban, Bộ ngành sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về người cao tuổi đồng bộ, pháp luật đáp ứng nhiệm vụ trọng tâm về công tác người cao tuổi trong tình hình mới. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi; xem xét, sửa đổi, bổ sung các nghị định, quyết định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn về tổ chức, hoạt động, quản lí Hội; chế độ, chính sách và các điều kiện phương tiện hoạt động của Hội Người cao tuổi và cán bộ làm công tác Hội Người cao tuổi. Chỉ đạo các Bộ ngành, UBND các cấp chủ động phối hợp, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án tạo điều kiện để người cao tuổi và Hội người cao tuổi tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và Hội Người cao tuổi vững mạnh. Cho chủ trương để Hội huy động nguồn lực xã hội hóa tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi …
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ, Ban Dân vận Trung ương, các Bộ ngành khẳng định vai trò, uy tín của người cao tuổi trong mọi lĩnh vực như tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; lao động sản xuất, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo; bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; chăm lo cho người cao tuổi, phối hợp xóa nhà tạm cho người cao tuổi nghèo, người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ người cao tuổi ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19… Về các kiến nghị của Hội Người cao tuổi, các đại biểu đều nhất trí đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho hoàn thiện mô hình tổ chức Hội bảo đảm thống nhất tạo thuận lợi trong hướng dẫn chỉ đạo công tác Hội Người cao tuổi trong cả nước; rà soát, sửa đổi chính sách pháp luật về người cao tuổi đồng bộ hơn, phân công trách nhiệm quản lí nhà nước và của cộng đồng về người cao tuổi; có chính sách xây dựng các trung tâm dưỡng lão từ nguồn ngân sách kết hợp vận động xã hội hóa; xây dựng cơ sở dữ liệu về người cao tuổi …
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người cao tuổi. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách bảo vệ, giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi, phát huy vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ.
Cuộc làm việc hôm nay một lần nữa khẳng định trách nhiệm của Chính phủ với người cao tuổi, nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước với người cao tuổi, giải quyết một số cơ chế, chính sách với mong muốn người cao tuổi ngày càng có nhiều đóng góp ý nghĩa với sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước, của nhân dân.
Thông tin khái quát về tình hình, các nhiệm vụ, giải pháp và kết quả trong năm 2021 và thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng đã linh hoạt, thay đổi tư duy và biện pháp phòng chống dịch, chuyển hướng kịp thời trong điều kiện khó khăn; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế.
Trong thành quả chung đó có đóng góp quan trọng của Hội Người cao tuổi và người cao tuổi cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh. Hiện trên cả nước vẫn có trên 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh, trong đó có gần 100.000 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; gần 400.000 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi. Vai trò của người cao tuổi được phát huy trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn, thách thức trong hoạt động của Hội Người cao tuổi. Nhấn mạnh dự báo tình hình năm 2022 và thời gian tới sẽ có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, Thủ tướng phân tích một số xu thế lớn thời gian tới, trong đó có xu thế già hóa dân số khi dự báo tới năm 2030, Việt Nam có khoảng 17% dân số là người cao tuổi và tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% vào năm 2045. Điều này một mặt cho thấy những thành tựu phát triển của Việt Nam khi đời sống, tuổi thọ của người dân ngày càng được nâng cao, mặt khác đòi hỏi phải có chủ trương, cơ chế, chính sách, sự chăm lo tốt hơn cho người cao tuổi, giải quyết, xử lý hài hòa giữa mặt thuận và mặt không thuận của xu thế già hóa dân số.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau". Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ những người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa". Nghị quyết cũng yêu cầu phát huy lợi thế dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cần quán triệt thật sâu sắc, cụ thể, triển khai thực hiện thật tốt các nội dung chính sách về người cao tuổi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp mặt đoàn đại biểu về dự Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam và Nghị quyết Đại hội; cũng như các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ để người cao tuổi phát huy thế mạnh, tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thủ tướng yêu cầu cần coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, người dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hoạt động, công tác người cao tuổi và đóng góp của người cao tuổi. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của Hội và bảo vệ, giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi.
Chính sách bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi phải có tính khả thi, phù hợp tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn. Tham khảo các kinh nghiệm hay, bài học quý của quốc tế, đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế về người cao tuổi. Nghiên cứu đầu tư về cơ chế, chính sách, nguồn lực, tổ chức các hoạt động với người cao tuổi phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và mong muốn của người dân, người cao tuổi. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Hội Người cao tuổi - một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các bộ, các ngành phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi.
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Hội và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan nghiên cứu, triển khai thực hiện, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp theo quy định./.
ĐCSVN