Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, không có hiện tượng “găm hàng” xăng dầu từ vĩ mô như phản ánh. Nếu phát hiện doanh nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng chức năng sẽ xử lý theo quy định pháp luật, mà hình thức xử phạt cao nhất là rút giấy phép kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn sáng ngày 16/3. Ảnh: Bích Liên
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, ngày 16/3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dành 1 ngày làm việc để chất vấn và trả lời chất vấn về 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trực tiếp trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ liên quan cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình.
Chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời thấu đáo ĐBQH, cử tri và nhân dân
Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều rất quan tâm đến các biện pháp của Bộ Công thương, của Chính phủ để bảo đảm được nguồn cung xăng dầu, bao gồm cả vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu. Chủ tịch Quốc hội mong muốn qua chất vấn sẽ có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn hơn.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hai nhóm vấn đề lớn được đưa ra chất vấn không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường mà còn có trách nhiệm của các bộ, ngành khác và Chính phủ.
Về đấu giá đất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường. Qua đó, đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai cũng đang rất nóng, rất thời sự. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời rõ. Đồng thời, nghiên cứu thêm ý kiến các hiệp hội về vấn đề này để xem chính sách, pháp luật có vấn đề gì và cần tiếp tục hoàn thiện như thế nào?
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời thấu đáo cho đại biểu Quốc hội, cho cử tri và nhân dân. "Chúng ta cố gắng cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề để sau chất vấn và trả lời chất vấn, UBTVQH ban hành kết luận, nghị quyết với những giải pháp sát, đúng nhất với đòi hỏi của thực tiễn, tạo chuyển biến trong các lĩnh vực này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Sau phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương.
Không có hiện tượng"găm hàng" xăng dầu như phản ánh
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời về vấn đề: Sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; Việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, UBTVQH liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản…
Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) đặt câu hỏi: Giá xăng dầu cơ sở trên thị trường thế giới ở kỳ điều hành giá gần đây có biến động khá lớn so với thời điểm đầu năm 2022, cụ thể từ từ 44 - 60,02%, nên cùng với biến động này giá tại thị trường trong nước cũng tăng từ 24,91 - 39,56%. Quá trình điều hành xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn và thiệt hại này do ai gánh chịu?
Trả lời về nguyên nhân giá xăng dầu trong nước có biên độ biến động thấp hơn so với giá cơ sở trên thị trường thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công thương cùng với Bộ Tài chính, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đã sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Bộ trưởng lý giải, vì thị trường trong nước và thị trường thế giới như bình thông nhau, để giảm biên độ biến động giá xăng dầu thời gian qua là nhờ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Nếu không trích từ Quỹ này từ 500 - 1.500 đồng/lít trong một kỳ điều hành thì không thể có giá thấp hơn giá thế giới”, Bộ trưởng cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng, trong bối cảnh thực hiện nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, thì việc duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu là vô cùng quan trọng, nhưng quỹ này có hạn, hiện còn khoảng trên dưới 600 nghìn tỷ đồng, trong khi đó có doanh nghiệp nhập khẩu âm quỹ này rất lớn.
Trong trường hợp Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn nữa, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, hiện hai Bộ đã đề nghị Chính phủ và Chính phủ cũng đã xây dựng dự thảo Nghị quyết đề xuất UBTVQH về việc giảm thuế bảo vệ môi trường. “Nhưng nếu khi giá thế giới tăng cao sẽ tiếp tục sử dụng các loại thuế, phí khác. Hết công cụ thuế, phí mà vẫn không ổn, trong khi giá thế giới cao thì giá trong nước cũng sẽ tăng cao", Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nêu rõ: Để kìm giá, giữ chỉ số CPI, đối tượng dễ tổn thương không khó khăn hơn, thì các bộ ngành, cơ quan hữu quan sẽ đề nghị Chính phủ sử dụng các quỹ an sinh xã hội hỗ trợ từ ngân sách để hỗ trợ đối tượng yếu thế, với doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu.
Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, Bộ trưởng nói nguồn cung không thiếu, chúng ta sẽ tăng cường nhập khẩu. Nguồn cung phụ thuộc vào nước ngoài như vậy thì các nhà máy lọc dầu trong nước có vai trò như thế nào trong việc bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm nguồn cung trong nước? Bên cạnh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng có giải pháp nào căn cơ hơn để quản lý số lượng xăng dầu đưa ra thị trường trong nước, giá cả trên thị trường?
Đồng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi: Bộ trưởng cho biết có hay không việc "găm hàng" xăng dầu từ tuyến vĩ mô chứ không chỉ đại lý?
Giải đáp chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, vai trò của nhà máy lọc dầu trong nước hiện nay là “một ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung trong nước”.
Việt Nam có thời điểm không có nhà máy lọc dầu nào nhưng trong nước vẫn không thiếu xăng dầu, các nước bên cạnh không có nhà máy lọc dầu cũng không thiếu. Trong khi đó, các nước có nhà máy lọc dầu thì cũng không có giá chênh lệch quá xa so với giá thế giới.
Cung cấp thông tin về hoạt động các nhà máy lọc dầu trong nước, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc dầu lớn là Bình Sơn và Nghi Sơn. Nhà máy Bình Sơn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư hoạt động ổn định, công suất cung cấp 30-35% tổng lượng xăng dầu trong nước. Nghi Sơn là nhà máy liên doanh với đối tác nước ngoài thì hoạt động không hiệu quả.
Về vấn đề nội tại của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, theo Bộ trưởng, chủ yếu là vấn đề tài chính. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tư cách là một bên trong liên doanh, đã báo cáo vấn đề này với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tập đoàn này cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh, yêu cầu hai liên doanh còn lại thực hiện đúng cam kết cung ứng dầu ra thị trường trong nước. Nguồn nguyên liệu đầu vào của Nghi Sơn là nhập hoàn toàn từ dầu thô của Kuwait, trong bối cảnh biến động giá, việc khan hiếm nguồn cung là không thể tránh.
Trả lời đại biểu về việc có hay không việc "găm hàng" xăng dầu từ tuyến vĩ mô chứ không chỉ đại lý, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên một lần nữa nêu rõ, qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa, trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố kỹ thuật.
Về việc có hàng hay không, Bộ trưởng cũng cho rằng, “truy đến cùng thì các cửa hàng này nhận xăng dầu từ Nghi Sơn. Nghi Sơn dừng đột ngột thì các cửa hàng này cũng không dễ nhận xăng dầu từ các đơn vị cung cấp khác”.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Công thương đã chỉ đạo kịp thời chia sẻ nguồn cung từ các nhà cung ứng sử dụng hàng nhập của các đơn vị cung ứng khác, đồng thời, tiến hành thanh kiểm tra 33 đơn vị nhập khẩu xăng dầu, có kết quả bước đầu, song chưa có đủ căn cứ, dữ liệu, thực hiện đủ các quy trình nên chưa báo cáo cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh: Nếu phát hiện doanh nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng chức năng sẽ xử lý theo quy định pháp luật, mà hình thức xử phạt cao nhất là rút giấy phép kinh doanh”. Bộ trưởng cũng khẳng định “không có hiện tượng găm hàng” từ vĩ mô như đại biểu phản ánh./.
ĐCSVN