"Hằng ngày, chứng kiến cảnh choáng, ngất xảy ra do sốc nhiệt của đồng nghiệp là các nhân viên y tế tại các bệnh viện tuyến đầu chống dịch khi mặc trên người những bộ quần áo bảo hộ dày trong tiết trời nóng nực, tôi cùng đồng nghiệp trăn trở rất nhiều. Làm thế nào để có thể giảm bớt nhiệt độ khi khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ để làm việc là câu hỏi luôn thường trực trong đầu chúng tôi", chị Hòa nói.
Sau một thời gian "thai nghén" cho ý tưởng của mình, được sự ủng hộ của lãnh đạo Khoa và lãnh đạo Bệnh viện cùng với sự hỗ trợ không mệt mỏi của các đồng nghiệp, sản phẩm “áo chống sốc nhiệt” đã ra đời.
"Khi hàng loạt bệnh viện dã chiến được dựng lên, các nhân viên y tế làm việc hết công suất không kể ngày đêm để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân không may mắc COVID-19. Để giảm thiểu nóng bức, mệt nhọc do sốc nhiệt, có người đã nghĩ ra cách dội nước lên người, chườm đá ngoài áo bảo hộ… Làm như vậy vừa có nguy cơ lây nhiễm cao mà vẫn không thoát khỏi tình trạng bị choáng, ngất ngay trong lúc đang làm việc. Nhiều nhân viên y tế đã không kịp tháo bỏ hoặc tháo bỏ đồ bảo hộ không đúng quy trình dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn chéo", Thượng úy Lê Thị Hòa nêu thực tế.
|
Thượng úy Lê Thị Hòa chia sẻ về sản phẩm “áo chống sốc nhiệt” |
Và sản phẩm “áo chống sốc nhiệt” gần như khắc phục được hầu hết những vấn đề này. Áo được làm từ chất liệu có sẵn, dễ kiếm, dễ tìm, giá thành sản phẩm rẻ đó là sử dụng vải cotton lưới thấm hút mồ hôi và dễ khuếch tán nhiệt. Xốp cách nhiệt 2 mặt gập hình chữ L nhằm cách nhiệt đá lạnh với thân người. Túi đá khô dạng gel giúp tạo ra không khí mát trong không gian áo bảo hộ còn miếng lót bằng bông siêu thấm nước nhằm hút hết nước lạnh ngưng tụ tại túi áo. Túi zíp có tác dụng cố định đá khô và miếng xốp. Áo được mặc bên trong nên không làm ảnh hưởng tới tác dụng của áo bảo hộ. Khi mặc, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm từ 5 - 7 độ so với khi chưa mặc, vì thế giảm thiểu được tối đa việc nhân viên y tế bị choáng ngất.
Nói về sản phẩm "ai cũng có thể làm nhưng mang lại hiệu quả to lớn", Thượng úy Lê Thị Hòa kể lại: "Sau những ngày nghiên cứu, mặc thử nghiệm và cải tiến, cuối cùng, một bộ sản phẩm ưu việt nhất đã ra đời. Được lãnh đạo Bệnh viện ủng hộ và lãnh đạo Khoa tạo điều kiện, xưởng may dã chiến được thành lập ngay trong đêm 2/6/2021. Được Hội đồng khoa học của Bệnh viện nghiệm thu và được đánh giá cao, chúng tôi đã nỗ lực ngày đêm để làm ra những chiếc “áo chống sốc nhiệt”, cùng với sự ủng hộ của các đơn vị trong và ngoài lực lượng, trong thời gian ngắn đã cung cấp 1.000 bộ cho cán bộ y tế của không chỉ Bệnh viện Y học cổ truyền tham gia phòng chống dịch mà còn cả các đồng nghiệp đang làm việc tại các bệnh viện tuyến đầu như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 103, Bệnh viện 198, Bệnh viện Đức Giang, một số bệnh viện ở Bắc Giang, Bắc Ninh…. và nhận được phản hồi tích cực. Công việc chính của chúng tôi hằng ngày là giám sát, kiểm soát nhiễm khuẩn, tập hợp và thống kê số liệu làm test, đánh giá mức độ đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn của nhân viên y tế khi thực hiện các quy trình tiêm, truyền; thực hiện giám sát quy trình vệ sinh công nghiệp, quy trình hấp sấy và bảo quản dụng cụ hấp sấy tại các khoa lâm sàng. Từ cuối năm 2019 đến nay, khi dịch COVID– 19 bùng phát trên diện rộng, chúng tôi còn tham gia vào đội chống dịch xung kích của Bệnh viện, hướng dẫn người bệnh và người nhà khai báo y tế, phân luồng bệnh nhân, thực hiện 5K”…
|
Sản phẩm “áo chống sốc nhiệt” |
"Khó khăn lớn nhất trong quá trình cho ra đời “áo chống sốc nhiệt” với chúng tôi là vừa phải đảm bảo duy trì công việc chuyên môn, vừa tranh thủ sản xuất trong điều kiện không có cơ sở vật chất chuyên dụng cũng như không có chuyên môn kỹ thuật về may mặc. Nhưng vượt lên trên tất cả là tinh thần vì đồng đội, đồng nghiệp nơi tuyến đầu nên chúng tôi đã làm việc không ngừng nghỉ chỉ mong được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào chiến dịch “Chung tay đẩy lùi COVID – 19” của cán bộ, chiến sỹ Công anh nhân dân nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung", Thượng úy Lê Thị Hòa cho hay.
Tự hào về sáng kiến “áo chống sốc nhiệt” là một trong các sáng kiến tiêu biểu tham gia chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và được nhận Bằng lao động sáng tạo; Tập thể Chi hội phụ nữ Khoa Chống nhiễm khuẩn được nhận Bằng khen của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cá nhân Đại úy Phạm Thị Hòa và Thượng úy Lê Thị Hòa vinh dự được Thủ trướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thượng úy Hòa bày tỏ: "Con đường chống dịch phía trước còn dài. Nhưng, với sự đồng lòng của cả cộng đồng, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng tôi – những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng sẽ làm việc hết mình vì người bệnh, sẽ tiếp tục học hỏi, trau dồi kiến thức, tìm tòi nghiên cứu để đưa ra nhiều sáng kiến hữu ích hơn nữa".