Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, phải cách ly triệt để, không được để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng; triển khai đợt cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh; không quên đối phó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất lớn từ bên ngoài.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Đình Nam
Chiều 4/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, thảo luận về tình hình dịch bệnh hiện nay và các biện pháp cần gấp rút triển khai trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Ban Chỉ đạo, lực lượng phòng chống dịch bệnh của các cấp, nhiều địa phương những ngày qua lại bước vào “trận chiến” rất căng thẳng, cả ngày và đêm. Các lực lượng chống dịch kiên trì nguyên tắc, khi đã phát hiện ra thì thần tốc truy vết, cách ly, khoanh vùng.
“Đến nay, đương nhiên tình hình còn rất phức tạp nhưng cơ bản đến giờ phút này, chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt”, Phó Thủ tướng nói và biểu dương lực lượng chống dịch các cấp.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, 3 đợt dịch trước hoặc dịch bùng phát từ nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài hoặc từ bên trong, nhưng đợt dịch lần này có thể nói chúng ta vừa có từ bên trong, mà áp lực từ biên giới Tây Nam cũng rất lớn, thêm nữa có biến thể virus mới từ Ấn Độ lây lan nhanh hơn, năng hơn. Vì thế chúng ta phải quyết tâm hơn.
Xử lý nghiêm những địa phương, cá nhân chủ quan, lơ là
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trên thế giới, nhiều quốc gia đã ghi nhận ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có một số quốc gia gần Việt Nam có ca nhiễm tăng cao trong thời gian gần đây như: Campuchia, Lào, Thái Lan...
Ở trong nước, mặc dù công tác phòng, chống dịch của các cấp chính quyền được triển khai khẩn trương, tích cực song còn những trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc nhập cảnh không được quản lý cách ly chặt chẽ, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng cao.
|
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn lơ là, chủ quan sau thời gian dài không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Người dân chưa thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, đặc biệt đi du lịch, di chuyển và tập trung đông người nên nguy cơ lây nhiễm trong nước rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tình hình dịch bệnh hiện nay rất đáng quan ngại với nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm từ người nhập cảnh hợp pháp, nhập cảnh trái phép, tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh, cá nhân hoá trách nhiệm. Thủ tướng nhắc nhở chúng ta không chủ quan, lơ là nhưng không quá hoang mang.
Tới đây, các địa phương cần tiếp tục tăng cường thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…; thực hiện nghiêm các quy định hướng dẫn phòng chống dịch, về cơ bản đã được ban hành đầy đủ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tại phiên họp trước của Ban Chỉ đạo, ông đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các bộ rà soát, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người nhiễm. “Không phải chúng ta dự báo sẽ có 30.000 người nhiễm mà tính đến trường hợp xấu để sẵn sàng chuẩn bị và phải phấn đấu để không bao giờ có tình huống đó xảy ra”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu phải rất quyết liệt.
Tới đây, chúng ta phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, người nhập cảnh; cách ly triệt để không được để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng. Thời gian tới, chúng ta sẽ triển khai đợt cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” không được bỏ sót; kể cả những người phục vụ, làm việc tại các cơ sở có nhiều người nước ngoài đến.
|
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Quản lý chặt chẽ người hoàn thành cách ly tập trung
Qua phân tích một số trường hợp phát bệnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung và lây nhiễm cho cộng đồng, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thảo luận về việc thực hiện các quy định cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế tại nhà.
Các ý kiến thống nhất đánh giá, một số cơ sở cách ly tập trung chưa thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt trong xử trí khi phát hiện trường hợp cách ly nhiễm COVID-19.
Công tác bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành thời gian cách ly tập trung, sau đó theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú ở nhiều nơi rất lỏng lẻo. Điển hình là ca bệnh 2899 tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam sau khi về theo dõi, giám sát y tế tại nhà đã gặp gỡ, tiếp xúc, tổ chức ăn uống với rất nhiều người. Hay trường hợp ca bệnh là chuyên gia Trung Quốc sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại Yên Bái đã di chuyển đến rất nhiều tỉnh thành.
Tại phiên họp trước của Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng rà soát toàn bộ các trung tâm cách ly của quân đội, của dân sự, cũng như toàn bộ quy trình bàn giao giữa nơi có trung tâm cách ly và trung tâm cách ly với nơi nhận người về cư trú hoặc làm việc.
Kết quả rà roát và báo cáo của một số địa phương cho thấy rất nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm túc dù đã có các quy trình rất cụ thể mà Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế đã hướng dẫn. Đây là nguyên nhân dẫn đến đợt dịch hiện nay. Việc này Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo một cách rất nghiêm khắc, cá nhân hóa trách nhiệm, trách nhiệm đến đâu xử lý nghiêm đến đấy.
Qua báo cáo rà soát của các cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo từ 0h ngày 4/5, các trung tâm cách ly chưa đưa người đã hết thời gian cách ly tập trung về địa phương. Bộ Y tế phải rà soát lại quy định, hướng dẫn và trong ngày 4/5, phải có văn bản gửi tất cả địa phương, trung tâm cách ly để quán triệt nhằm bảo đảm việc bàn giao giữa trung tâm cách ly với địa phương có người cách ly về cư trú, về làm việc phải có bàn giao, tiếp nhận, được quản lý chặt chẽ trong 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ sẽ hoàn thành văn bản này và ban hành trong chiều tối 4/5 để từ sáng 5/5, các trung tâm và các địa phương căn cứ thực hiện đúng. Phó Thủ tướng lưu ý các quy định, hướng dẫn, văn bản đã đầy đủ, bây giờ phải thực hiện một cách nghiêm túc. Ai không thực hiện, cấp nào không thực hiện phải chịu trách nhiệm và sẽ phải xử lý nghiêm.
Phó Thủ tướng nêu rõ các yêu cầu: Người từ nơi cách ly đi về như thế nào? Chính quyền địa phương, cơ sở, nòng cốt là y tế và công an, có trách nhiệm đến bàn giao đến từng gia đình ra sao? Người hoàn thành cách ly tập trung phải thực hiện những gì trong 14 ngày theo dõi, giám sát y tế?
Đối với các doanh nghiệp cũng tương tự, mời chuyên gia vào và bàn giao về thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm cam kết ghi nhận và hướng dẫn những người này tuân thủ các quy định ra sao. Tuyệt đối không được để tình trạng trong thời gian theo dõi, giám sát y tế sau cách ly mà lại tiếp tục đi tụ tập đông người, đi ăn uống, những nơi công cộng mà không giữ nguyên tắc phòng dịch, để lây lan ra cộng đồng cực kỳ nguy hiểm.
|
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Không quên đối phó nguy cơ rất lớn từ bên ngoài
Ngoài các báo cáo chính thức của các cơ quan y tế, chính quyền trong hệ thống hành chính, Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường giám sát cộng đồng đối với công tác phòng chống dịch. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ huy động giám sát của cộng đồng, qua thông tin báo chí, qua sự giám sát của nhân dân để cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo, cho Thủ tướng Chính phủ nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt. Nếu nơi nào đó làm chưa tốt thì đầu tiên phải rất cầu thị, tiếp thu, chấn chỉnh và chịu trách nhiệm.
“Khi chưa có dịch thì tuyệt đối không được lơ là, bây giờ có dịch phải rất bình tĩnh, chúng ta thực hiện thật nghiêm để khoanh dịch, dập dịch sớm nhất”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng nhắc lại: Phiên họp trước của Ban Chỉ đạo, tất cả các ý kiến đều tập trung phát biểu về ngăn chặn người nhập cảnh trái phép qua biên giới. Phó Thủ tướng hoàn toàn đồng ý nhưng rất lưu ý chúng ta phải chú ý nguy cơ dịch bệnh trong nước từ người nhập cảnh hợp pháp do công tác cách ly tập trung và quản lý y tế sau cách ly không tốt. Thực tế bây giờ đã xảy ra đúng như thế. Nhưng hôm nay, khi có dịch ở trong nước do các ca nhập cảnh hợp pháp thì chúng ta không chỉ đặc biệt chú ý đến các địa phương trong nước, công tác quản lý người nhập cảnh hợp pháp mà bỏ quên nguy cơ dịch bệnh có thể thẩm thấu từ những người nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới bất kỳ lúc nào. “Chúng ta hết sức nâng cao cảnh giác, nếu để dịch bệnh xuất hiện trong nước lẫn xâm nhập từ bên bên ngoài thì rất phức tạp”.
Phó Thủ tướng kêu gọi là lực lượng công an, bộ đội biên phòng, chính quyền, đoàn thể tất cả các tỉnh biên giới tiếp tục tăng cường kêu gọi nhân dân tiếp tục cùng với chính quyền quản lý thật tốt, không để nhập cảnh trái phép xảy ra, gây họa cho cộng đồng.
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thảo luận và cho rằng phải có đầu mối chỉ đạo thống nhất tăng cường ứng dụng các công cụ, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chống dịch, nắm được thông tin của tất cả những trường hợp bắt đầu nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện cách ly tập trung đến khi kết thúc thời hạn theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú.
Bộ Thông tin và Truyền Thông chỉ đạo các đơn vị công nghệ thông tin nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể để triển khai vòng tay điện tử giám sát chuyên gia, lao động nước ngoài; giải pháp giám sát điện tử đối với người Việt Nam; tổ chức giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để phân loại nguy cơ dịch bệnh đối với từng địa phương.
Chinhphu.vn