Ngày 16/7/2020, UBND huyện có nhận đơn của ông Nguyễn Ngôn và một số bà con ngư dân ở tại thôn Cư Lạc và thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi liên quan đến việc khai thác tép bằng nghề dai (nghề sáo dâng). Qua xem xét nội dung đơn và căn cứ các quy định của pháp luật và các văn bản liên quan, UBND huyện trả lời như sau:
1. Căn cứ Quyết định số 1580/QĐ-UBND ngày 12/10/2009 của UBND huyện Quảng Điền về việc phê duyệt quy hoạch nò sáo và các nghề khai thác cố định trên phá Tam Giang, quy định: Mặt nước trên phá Tam Giang xã Quảng Lợi được phép làm tối đa 89 trộ nò sáo. Nên việc ông và các hộ dân tự ý làm các đăng chắn (sáo dâng, sáo tép, nghề dai,...) trên mặt nước xã Quảng Lợi là vi phạm quy hoạch nò sáo.
2. Căn cứ các Quyết định số 3629/QĐ-UBND, 3630/QĐ-UBND, 3631/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2012 của UBND huyện Quảng Điền về việc phê duyệt phương án và cấp quyền khai thác thủy sản vùng đầm phá cho các Chi Hội nghề cá Hà Công, Cư Lạc, Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi thì vùng đệm ven bờ (cách bờ 200m) là vùng hạn chế tối đa việc khai thác và vùng khai thác chung chỉ được khai thác nghề di động (phương án này cũng đã được cộng đồng ngư dân họp thông qua) nên việc ông và các hộ ngư dân đặt các ngư cụ cố định tại các vùng nước nói trên là vi phạm phương án khai thác thủy sản vùng đầm phá đã được phê duyệt.
3. Căn cứ Khoản 2, Điều 7 Luật Thủy sản 2017 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản, trong đó có hành vi: “Cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của loài thủy sản”. Đồng thời, theo điểm b, Khoản 1, Điều 6 Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản: Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về môi trường sống của các loài thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không dành hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi khai thác thủy sản bằng nghề cố định ở các sông, hồ, đầm, phá. Do đó, việc ông và các hộ tự ý đặt nghề cố định trên vùng mặt nước không được quy hoạch cho nghề cố định là vi phạm quy định của pháp luật.
4. Mặt khác, hoạt động khai thác tép bằng nghề dai đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan vệ sinh môi trường và an toàn giao thông đường thủy, ảnh hưởng đến việc lưu thông ghe, thuyền của ngư dân khi tham gia đánh bắt, khai thác, nuôi trồng thủy sản trên Phá Tam Giang và định hướng phát triển dịch vụ - du lịch tại địa phương, gây bức xúc trong nhân dân.
Căn cứ vào các nội dung trên, việc hộ ông Nguyễn Ngôn và các bà con ngư dân thuộc thôn Cự Lạc và thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi kiến nghị được tiếp tục làm nghề dai bắt tép là không đúng quy định của pháp luật và các văn bản liên quan. UBND huyện yêu cầu ông Nguyễn Ngôn và các bà con ngư dân chấm dứt ngay các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.
Chủ trương của chính quyền địa phương là không cấm hoạt động khai thác tép; nhưng đề nghị bà con khai thác với nghề truyền thống như đi dũi tép (hiện nay có nhiều hộ đang làm và có thu nhập khá) và có thể sáng tạo ra các hình thức khai thác khác phù hợp mà Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn liên quan đến Luật Thủy sản không cấm, không vi phạm quy hoạch, phương án bảo vệ và khai thác thủy sản của các Chi hội nghề cá trên địa bàn xã đã được người dân thông qua và phê duyệt của các cơ quan chức năng.
UBND huyện trả lời để ông Nguyễn Ngôn và các bà con ngư dân được rõ./.
Nơi nhận:
-Như trên;
-CT, PCT.UBND huyện;
-Phòng NN&PTNT huyện;
-Thanh tra huyện;
-UBND xã Quảng Lợi;
-Lãnh đạo VP + CVNC;
-Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Trần Quốc Thắng
|