Tìm kiếm tin tức
UBND xã Quảng Lợi triển khai đo đạc, chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Ngày cập nhật 17/06/2019

 Thực hiện Quyết định số 1027/QĐ-UBND ngày 23 tháng 04 năm 2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - Dự toán: Đo đạc, chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất huyện Quảng Điền. Căn cứ Công văn Số: 672  /UBND, ngày 13  tháng 6 năm 2019 ngày 13/6/2019 của Ủy ban nhân dân huyện Quảng Điền về việc phối hợp triển khai thực hiện đo đạc, chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện.

Ủy ban nhân dân xã Quảng Lợi phối hợp với Xí nghiệp Địa chính và Tài nguyên Môi trường 3 - Chi nhánh Công ty Cổ phần Địa chính và Tài nguyên Môi trường triển khai nội dung công việc tại xã Quảng Lợi, như sau:

I.       MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.

1. Mục đích:

- Đẩy nhanh công tác đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, đăng ký lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận).

- Hoàn thành công tác đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, đăng ký lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận lần đầu và cấp đổi tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền.

- Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cung cấp các thông tin về đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế xã Quảng Lợi.

2. Yêu cầu:

- Việc chỉnh lý bản đồ, lập HSĐC và cấp mới, cấp đổi GCN QSDĐ, chủ yếu là căn cứ vào các tài liệu, hồ sơ địa chính hiện có; sử dụng hồ sơ giao ruộng khi dồn điền đổi thửa (nếu có) và Quyết định số 4523/UBND-ĐC ngày 05/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất đo đạc, chỉnh lý bản đô địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc và thị xã Hương Thủy.

- Việc chỉnh lý bản đồ, lập HSĐC, cấp mới, cấp đổi GCN QSDĐ, phải đảm bảo đúng quy định; đảm bảo độ chính xác phù hợp với bản đồ, HSĐC hiện có, đảm bảo tính đồng bộ giữa bản đồ, hồ sơ địa chính, GCN QSD đất.

- Đây là công việc có khối lượng công việc lớn, phức tạp, triển khai trên diện rộng nên cần sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của UBND các cấp; cần huy động sức mạnh của hệ thống chính trị chung tay thực hiện.

II. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN, NỘI DUNG CÔNG VIỆC.

Việc chỉnh lý bản đồ, lập HSĐC và cấp mới, cấp đổi GCN QSDĐ thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Công tác chuẩn bị.

Bước 2: Thực hiện chỉnh lý BĐĐC.

Bước 3: Hoàn thiện HSĐC.

Bước 4: Cấp GCNQSDĐ.

Nội dung cụ thể của từng bước như sau:

1. Công tác chuẩn bị:

1.1. Đối với cấp xã:

Thành lập Hội đồng tư vấn đất đai cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ công tác cấp huyện và đơn vị tư vấn thực hiện một số nội dung:

- Tổ chức họp cán bộ chủ chốt cấp xã, họp dân đến từng thôn, tổ dân phố để thông qua nội dung dự án, kế hoạch thi công chi tiết và quán triệt chương trình, mục đích và ý nghĩa của công tác đo đạc bản đồ, đăng ký cấp giấy chứng nhận và lập hồ sơ địa chính, để cán bộ và mọi người dân nắm được và tự giác tham gia trong việc xác định mốc giới, ranh giới thửa đất đang quản lý, sử dụng ngoài thực địa.

- Phân công các thành viên của Hội đồng tư vấn theo dõi xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện để chủ động phối hợp với Tổ công tác cấp huyện và các đơn vị tư vấn giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, lấn chiếm đất đai và những vướng mắc khác phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

- Tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký; kiểm tra tính đầy đủ, rõ ràng, thống nhất của hồ sơ; đối chiếu nội dung hồ sơ về thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất với giấy tờ pháp lý có liên quan. Trường hợp phát hiện hồ sơ còn thiếu sót thì phải thông báo và hướng dẫn cho chủ sử dụng đất bổ sung hoàn thiện hồ sơ.

  - Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận mà nội dung kê khai đăng ký đã có thay đổi về mục đích sử dụng đất, về người sử dụng đất thì phải yêu cầu người sử dụng đất nộp hồ sơ đăng ký biến động (hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất hoặc hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất) theo quy định;

 - Trong trường hợp có khiếu nại về diện tích, hình thể thửa đất, loại đất thì cán bộ là thành viên hội đồng tư vấn được phân công phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức kiểm tra, xác minh, nếu đúng như nội dung phản ánh của người dân thì phải đo đạc chỉnh lý lại kết quả và hướng dẫn người sử dụng đất lập lại hồ sơ đăng ký cho phù hợp;

  - Trường hợp không rõ thời điểm bắt đầu sử dụng của người đang sử dụng đất thì Hội đồng tư vấn phải lấy ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích hiện nay của thửa đất nói trên bằng “Phiếu lấy ý kiến khu dân cư” (theo mẫu 05/ĐK);          

   - Niêm yết công khai, công bố hồ sơ đủ điều kiện, không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận tại trụ sở UBND cấp xã hoặc nhà sinh hoạt thôn liên tục trong thời gian mười lăm (15) ngày; xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh về nội dung đã công khai;

- Phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thành các thủ tục phân loại, tổng hợp hồ sơ đăng ký phân loại chi tiết đã được UBND cấp xã xác nhận gửi về Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện để kiểm tra, xét duyệt.

1.2. Đối với người sử dụng đất:

Tham gia hoặc cử người đại diện hộ gia đình tham dự các cuộc họp để nghe đơn vị tư vấn và Hội đồng tư vấn đất đai cấp xã phổ biến đầy đủ kế hoạch triển khai dự án và các chủ trương chính sách có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất cũng như tham gia thực hiện các yêu cầu của đơn vị tư vấn và Hội đồng tư vấn đất đai cấp xã;

   - Có trách nhiệm xác định ranh giới sử dụng đất với các hộ liền kề, hoặc đóng cọc gỗ, quét sơn, phối hợp với đơn vị tư vấn và cán bộ địa phương (thôn trưởng, tổ dân phố, các đoàn thể) xác định mốc giới, ranh giới thửa đất đang sử dụng trước khi tiến hành đo đạc và ký xác nhận vào biên bản xác định ranh giới, mốc giới  thửa đất với các hộ liền kề. Việc ký xác nhận vào biên bản trên phải do chủ sử dụng đất trực tiếp ký xác nhận;

   - Phô tô các tài liệu có liên quan như: Các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất (Giấy chứng nhận cũ) (nếu có), chứng minh nhân dân của vợ, chồng và sổ hộ khẩu gia đình, các loại chứng từ có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật.

   - Cung cấp thông tin cho Hội đồng tư vấn đất đai cấp xã để xác định nguồn gốc, thời điểm và mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp không có giấy tờ về QSD đất, không có giấy tờ chứng minh thời điểm, mục đích sử dụng đất ổn định theo quy định).

1.3. Đối với đơn vị tư vấn:

- Phối hợp với Tổ công tác cấp huyện và Hội đồng tư vấn đất đai cấp xã tuyên truyền, phổ biến nội dung dự án về đo đạc lập bản đồ địa chính, kê khai đăng ký đất đai đến từng thôn, điểm dân cư;

- Xây dựng và thông báo kế hoạch triển khai đo đạc lập bản đồ, kê khai đăng ký QSD đất đến từng điểm dân cư;

   - Bố trí lực lượng và trang thiết bị cần thiết, chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để thực hiện việc xác định mốc giới, ranh giới thửa đất ngoài thực địa, đo đạc và hướng dẫn lập hồ sơ kê khai đăng ký đất đai đến từng hộ gia đình, cá nhân.

- Phối hợp với UBND và Hội đồng tư vấn đất đai cấp xã giải quyết kịp thời các ý kiến phản ánh về nội dung công khai hồ sơ đăng ký QSD đất.

   - Phối hợp với Phòng Tài nguyên & Môi trường và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai để lập trích lục bản đồ địa chính, viết Giấy chứng nhận, lập đầy đủ hồ sơ pháp lý để trình cấp có thẩm quyền ký duyệt Giấy chứng nhận; nhân sao tài liệu để chu chuyển và lưu trữ theo quy định.

- Phản ánh kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình đo đạc, kê khai đăng ký đất đai cho UBND xã, Phòng tài Nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên & Môi trường để phối hợp hướng dẫn giải quyết.

- Báo cáo tiến độ thực hiện theo định kỳ hàng tháng về Ban chỉ đạo cấp huyện và Sở Tài nguyên & Môi trường để báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh và theo dõi, chỉ đạo và có kế hoạch kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm.

2. Thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính:

Dự kiến thời gian thực hiện công việc đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính từ ngày 05 tháng 6 năm 2019 đến 31 tháng 10 năm 2019 theo hình thức cuốn chiếu từng thôn (hoặc đồng loạt các thôn), hết thôn này mới chuyển qua thôn khác.

2.1. Việc chỉnh lý bản đồ địa chính thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Đo mới khu vực biến động tập trung trên 40% tổng số thửa của tờ bản đồ.

b) Xuất hiện thửa đất và các đối tượng chiếm đất mới (trừ các đối tượng là công trình xây dựng và tài sản trên đất);

c) Thay đổi ranh giới thửa đất và các đối tượng chiếm đất (trừ các đối tượng là công trình xây dựng và tài sản trên đất);

d) Thay đổi diện tích thửa đất;

e) Thay đổi mục đích sử dụng đất;

f) Thay đổi thông tin về tình trạng pháp lý của thửa đất;

g) Thay đổi về mốc giới và đường địa giới hành chính các cấp;

h) Thay đổi về điểm tọa độ địa chính và điểm tọa độ Quốc gia;

i) Thay đổi về mốc giới và hành lang an toàn công trình;

j) Thay đổi về địa danh và các ghi chú trên bản đồ.

2.2. Cơ sở để quyết định thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính

a) Các thay đổi về ranh giới thửa đất, diện tích thửa đất, mục đích sử dụng đất được thực hiện trong các trường hợp: có quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất của cấp có thẩm quyền; quyết định của Ủy ban nhân dân các cấp, bản án của Toà án nhân dân các cấp về việc giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả cấp, chỉnh lý Giấy chứng nhận trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế có liên quan đến thay đổi ranh giới, mục đích sử dụng đất; quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; có thay đổi ranh giới thửa đất do sạt lở, sụt đất tự nhiên; người sử dụng đất, cơ quan quản lý đất đai các cấp phát hiện có sai sót trong đo vẽ bản đồ địa chính;

b) Mốc giới, đường địa giới hành chính trên bản đồ được chỉnh lý, bổ sung trong các trường hợp có quyết định thay đổi địa giới hành chính, lập đơn vị hành chính mới, đã lập hồ sơ địa giới, cắm mốc địa giới trên thực địa;

c) Mốc tọa độ, mốc quy hoạch, hành lang an toàn công trình trên bản đồ được chỉnh lý, bổ sung trong các trường hợp mốc giới mới được cắm trên thực địa và có thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Việc chỉnh lý, bổ sung thông tin về địa danh, địa vật định hướng và các thông tin thuộc tính khác do cơ quan quản lý đất đai các cấp tự quyết định khi phát hiện có thay đổi.

2.3. Khi chỉnh lý các thay đổi về ranh giới thửa đất thì việc thể hiện nội dung và lưu thông tin chỉnh lý thực hiện như sau:

a) Đường ranh giới mới của thửa đất được thể hiện trên bản đồ địa chính bằng màu đỏ; đường ranh giới cũ được chuyển thành lớp riêng trên bản đồ địa chính dạng số, được gạch bỏ bằng mực đỏ đối với nơi sử dụng bản đồ địa chính dạng giấy;

b) Việc chỉnh lý bản đồ địa chính phải thực hiện đồng bộ với việc chỉnh lý thông tin trong sổ mục kê đất đai và các tài liệu liên quan khác.

2.4. Khi đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính được phép thực hiện bằng các phương pháp đo đạc đơn giản như: giao hộ cạnh, dóng thẳng hàng, đo bằng thước dây, chuyển vẽ từ bản đồ quy hoạch… và sử dụng các điểm khởi tính gồm: các điểm toạ độ từ lưới khống chế đo vẽ, lưới điểm trạm đo cũ trở lên; các điểm góc thửa đất, góc công trình xây dựng chính có trên bản đồ và hiện còn tồn tại ở thực địa; độ chính xác chỉnh lý thực hiện theo quy định về độ chính xác của bản đồ địa chính.

2.5. Việc chỉnh lý số thứ tự thửa đất được quy định như sau:

a) Trường hợp thửa đất mới phát sinh do tách thửa, hợp thửa thì hủy bỏ số thứ tự thửa đất cũ, số thửa mới được đánh số tiếp theo số thứ tự thửa đất có số hiệu lớn nhất trong tờ bản đồ; đồng thời phải lập “Bảng các thửa đất chỉnh lý" ở vị trí thích hợp trong hoặc ngoài khung bản đồ, trừ trường hợp chỉnh lý bản đồ địa chính trong cơ sở dữ liệu địa chính. Nội dung “Bảng các thửa đất chỉnh lý" phải thể hiện số thứ tự, mã loại đất và diện tích thửa đất tách, hợp đã được chỉnh lý và số thứ tự thửa, mã loại đất và diện tích mới của thửa đất đó sau chỉnh lý;

b) Trường hợp nhà nước thu hồi một phần thửa đất mà phần thu hồi không tạo thành thửa đất mới và phần diện tích còn lại không bị chia cắt thành nhiều thửa đất thì phần diện tích còn lại không thu hồi vẫn giữ nguyên số thứ tự thửa đất cũ.

3. Hoàn thiện hồ sơ địa chính:

- Trên cơ sở bản đồ địa chính đã được chỉnh lý, đơn vị thi công tiến hành kiểm tra, đối soát để chỉnh sửa đồng bộ số liệu giữa bản đồ với các tài liệu có liên quan, chỉnh lý, hoàn thiện hệ thống hồ sơ; sử dụng các phần mềm hỗ trợ để lập các tài liệu trong hồ sơ địa chính:

+ Biên tập hoàn thiện bản đồ địa chính;

+ Sổ mục kê đất đai;

+ Sổ địa chính điện tử;

+ Các biểu thống kê diện tích đất đai theo đơn vị hành chính cấp xã và các tài liệu khác có liên quan;

- Tổ chức kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công đoạn và đóng gói giao nộp các sản phẩm theo quy định.

4. Cấp Giấy chứng nhận QSD đất:

Dự kiến thời gian thực hiện công việc kê khai đăng ký cấp GCN QSDĐ từ 01 tháng 11 năm 2019 đến hết tháng 06 năm 2020 theo hình thức cuốn chiếu từng thôn. Hết thôn này mới chuyển qua thôn khác.

4.1. Đơn vị tư vấn.

- Đơn vị tư vấn căn cứ bản đồ địa chính đã được chỉnh lý; in đơn xin cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ của từng hộ gia đình, cá nhân theo mẫu quy định.

- Phối hợp với UBND và tổ công tác xã thông báo cho người sử dụng đất đến tại nhà văn hóa thôn để kê khai đăng ký, xác nhận vào đơn đăng ký.

- Hoàn thiện và phân loại hồ sơ trước khi chuyển lên Hội đồng đăng ký cấp GCN của xã để tiến hành xét duyệt.

4.2. Cấp xã.

- UBND xã, thị trấn xác nhận vào đơn đề nghị cấp đổi GCN của hộ gia đình, cá nhân; lập danh sách các hộ đủ điều kiện cấp mới, cấp đổi GCN theo quy định.

- Công khai danh sách cấp GCN QSDĐ tại nhà văn hóa thôn, xóm, trụ sở UBND xã, thị trấn, kết thúc công khai lập biên bản theo mẫu quy định

- Hội đồng đăng ký cấp GCN của xã, thị trấn tiến hành xét duyệt (lập biên bản xét duyệt theo mẫu quy định);

- Gửi kết quả sau khi công khai đến tổ công tác cấp huyện để thẩm định.

4.3. Cấp huyện.

- Trên cơ sơ kết quả thẩm định và danh sách đề nghị cấp GCN của hội đồng đăng ký cấp GCN cấp xã, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký QSD đất cấp huyện tổ chức thẩm định, kết quả thẩm định phải được lập thành biên bản kèm theo danh sách những hộ đủ điều kiện cấp GCN; lập tờ trình gửi UBND cấp huyện phê duyệt.

- Sau khi UBND huyện ban hành quyết định cấp GCN thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện bàn giao các hồ sơ đủ điều kiện cho đơn vị tư vấn in GCN.

- Đơn vị tư vấn in Giấy chứng nhận xong bàn giao lại cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để trình UBND huyện ký GCN QSD đất đối với cấp mới và chuyển Văn phòng ĐKQSD đất cấp tỉnh đối với GCN cấp đổi, cấp lại.

4.4. Trao Giấy chứng nhận đã ký cho người sử dụng đất.

- Sau khi UBND huyện ký Giấy chứng nhận quyền dụng đất, Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phối hợp với UBND cấp xã thông báo cho hộ gia đình, cá nhân biết thời gian, địa điểm trao Giấy chứng nhận (tại trụ sở UBND cấp xã); GCN QSDĐ phải phát trực tiếp đến chủ hộ, được chủ hộ ký nhận vào sổ cấp GCN (trường hợp đặc biệt, chủ hộ đi làm ăn xa dài ngày phải có giấy ủy quyền hợp pháp)

- Trước khi trao Giấy chứng nhận cho người được cấp, Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện việc sao, quét Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 của Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT .

- Việc trao GCN QSDĐ cho chủ hộ đang thế chấp GCN cũ tại các tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định tại khoản 4 điều 76 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.

ĐB
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.806.873
Truy cập hiện tại 1.049