Tìm kiếm tin tức
Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Ngày cập nhật 25/11/2024
Chiều 21/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu tham gia thảo luận.

Góp ý trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, cần giải quyết hài hòa bài toán giữa bảo tồn và phát triển, đảm bảo không phá vỡ không gian di sản.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng về phát triển đô thị.

Theo đại biểu, nếu được Quốc hội cho phép thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ là điều kiện thuận lợi, động lực quan trọng để đưa Huế vươn mình tiến xa về kinh tế - xã hội, phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị, di sản văn minh, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và văn minh, đáp ứng mọi kỳ vọng của Nhân dân. Đề nghị, trung ương quan tâm nhiều hơn về nguồn lực để thành phố Huế có thể vươn xa hơn về kinh tế - xã hội, nhất là đô thị đặc thù của Cố đô.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia thảo luận.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhất trí cao với quan điểm phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế và du lịch là kinh tế mũi nhọn, thành phố Huế là đô thị di sản. Đặc biệt, việc kết nối du lịch giữa thành phố Huế với các địa phương khác và quốc gia khác trong khu vực rất cần được quan tâm, đẩy mạnh.

Nêu quan điểm, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, với tính chất đô thị di sản là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, việc nâng Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương là cơ hội để địa phương phát triển nhưng vẫn giữ được nét riêng có của xứ Huế để Huế cùng với Đà Nẵng trở thành phố động lực, thúc đẩy khu vực miền Trung phát triển. Theo đại biểu, để đảm bảo cho thành phố Huế sau khi trở thành phố Trung ương phát triển bền vững cần giải quyết được bài toán cốt lõi giữa bảo tồn và phát triển.

Đại biểu Dương Văn Phước, đề nghị trung ương cần phải có sự hỗ trợ, đồng hành cùng với Thừa Thiên Huế hoàn thành yêu cầu đặt ra, sớm trả lại nguyên trạng không gian Cố đô Huế. Ngoài ra, cùng với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, cũng cần có những cơ chế đặc thù, vượt trội, phù hợp với thực tiễn để thành phố Huế phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong thời gian tới.

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tham gia thảo luận.

Tham gia thảo luận, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu cho biết, việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài, từ những năm 1996 của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đề án được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, đặc biệt là Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

 “Với mô hình đô thị lựa chọn là đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh, không phát triển dân cư, nhà cửa, mật độ cao, đô thị nén, việc giải quyết hài hòa giữa bài toán bảo tồn và phát triển sẽ tạo điều kiện cho Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước.” ông Lê Trường Lưu cho biết thêm.

Theo ông Lê Trường Lưu, Huế sẽ nỗ lực đầu tư, nâng chuẩn đô thị đi đôi với bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch, công nghiệp sạch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thành phố Huế xứng tầm, đáp ứng với yêu cầu, sự tin tưởng, ủng hộ của các vị đại biểu Quốc hội cũng như lời chỉ đạo trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: "Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước"

Toàn cảnh phiên họp.

Tại phiên thảo luận, ông Lê Trường Lưu cũng kiến nghị ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo nghị quyết quy định chuyển tiếp về tổ chức bộ máy chức danh vị trí việc làm, tài sản và các vấn đề áp dụng pháp luật liên quan khi chuyển từ chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế sang chính quyền thành phố Huế; quy định về việc bầu cử bổ sung đại biểu hội đồng nhân dân ở các quận mới được thành lập.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay, phiên thảo luận ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH); Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thay mặt Chính phủ đã có tiếp thu giải trình một số nội dung quan trọng mà ĐBQH quan tâm.

“Qua các ý kiến phát biểu của ĐBQH cho thấy, hầu hết các đại biểu tán thành chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận với Chính phủ để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này. Sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ ban hành ngay nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và các điều kiện bảo đảm để thực hiện thành công nghị quyết của Quốc hội”, ông Định nói.

Tinhuytthue.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.827.402
Truy cập hiện tại 1.109