Tìm kiếm tin tức
Chờ đợi chiến lược của Chủ tịch G20 Indonesia để "hạ nhiệt" xung đột Nga-Ukraine
Ngày cập nhật 13/04/2022
Ở trong vai trò trung gian, thế giới đang chờ đợi chiến lược của Indonesia để hạ nhiệt tình hình và đưa các phe xung đột gián tiếp ngồi cùng vào bàn hội nghị.
Indonesia sẵn sàng cho Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: VOV-Jakarta.

Với tư cách là Chủ tịch nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Indonesia đang phải đối mặt với thách thức lớn do xung đột Nga-Ukraine. Ở trong vai trò trung gian, thế giới đang chờ đợi chiến lược của Indonesia để hạ nhiệt tình hình và đưa các phe xung đột gián tiếp ngồi cùng vào bàn hội nghị.

Khi Nga thực hiện “chiến dịch quân sự” tại Ukraine, một số nước G20 như Mỹ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Canada, Anh và Nhật Bản là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Căng thẳng gia tăng khi cuối tháng 2, Indonesia đã gửi lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 cho tất cả các quốc gia thành viên trong đó có Nga. Đại sứ quán Nga tại Jakarta xác nhận Tổng thống Vladimir Putin có thể tham gia hội nghị nếu không có gì thay đổi. Mỹ và Khối phương Tây đã  yêu cầu Indonesia xem xét lại việc mời Nga tham dự sự kiện lớn của G20 vào tháng 10 tới tại Bali.

 

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí đã công khai khuyến cáo Indonesia không nên mời Nga tham dự G20. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen mới đây đã đe dọa sẽ tẩy chay một số cuộc họp của G20 nếu có quan chức Nga tham dự. 

 

Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta bày tỏ đồng tình với Indonesia, cho rằng G20 nên tập trung vào chương trình nghị sự kinh tế đã được thiết lập với chủ đề “cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn” và không nên bị phân tâm bởi các vấn đề khác không phù hợp với mục tiêu của diễn đàn G20. Theo Trung Quốc, G20 không phải là nền tảng thích hợp để thảo luận về vấn đề xung đột Ukraine-Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 23/3 nhấn mạnh: “G20 là diễn đàn chính về hợp tác kinh tế quốc tế, quy tụ các nền kinh tế chủ yếu trên thế giới. Nga là một thành viên quan trọng và không thành viên nào có quyền khai trừ tư cách thành viên của các nước khác".

Tại Liên Hợp Quốc, mới đây Mỹ dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) sau những cáo buộc liên quan đến cuộc chiến Nga-Ukraine. Trong cuộc bỏ phiếu ngày 7/4, Indonesia và 57 quốc gia khác đã bỏ phiếu trắng. Lý do Indonesia đưa ra là chờ đợi kết quả điều tra của nhóm độc lập liên quan đến vụ thảm sát được cho là do Nga gây ra ở ở Bucha, Ukraine. Tuy nhiên, Nghị quyết đã được thông qua với 93 phiếu thuận.

Trước đó, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho hay, Mỹ và đồng minh đang đánh giá liệu Nga có nên tiếp tục là thành viên G20 sau chiến dịch quân sự ở Ukraine hay không. Tuy nhiên, nguồn tin cũng nhấn mạnh nỗ lực loại Nga khỏi G20 sẽ bị nhiều nền kinh tế trong nhóm phủ quyết, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia và những nước khác.

Thái độ trung lập và thận trọng của Indonesia

Kể từ khi xung đột Nga và Ukraina xảy ra đến nay, Indonesia luôn kiên định với lập trường trung lập. Tổng thống Joko Widodo lần đầu lên tiếng về tình hình Nga-Ukraine ngày 21/2 trên tài khoản Twitter cá nhận rằng các bên liên quan cần kiềm chế để chiến tranh không xảy ra. Thông qua tuyên bố này, Tổng thống kêu gọi tất cả các bên đoàn kết và tập trung vào vấn đề phục hồi kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng đến tình trạng khan hiếm lương thực và yêu cầu giải quyết xung đột được thực hiện ngay lập tức.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho biết, đang tiếp tục quan sát thái độ của Mỹ và không có bình luận về các tuyên bố không tham dự G20 của Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Indonesia vẫn đang duy trì liên lạc cởi mở với các đối tác, ở cả cấp bộ. Qua cuộc hội đàm, Indonesia đã nhắc lại quyết định mời tất cả các thành viên G20 tham dự Hội nghị là tuân theo các bước của nhiệm kỳ Chủ tịch trước đó. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, Teuku Faizasyah, tiết lộ Indonesia vẫn đang cân nhắc và tham vấn các bên liên quan về việc mời Ukraine tham dự cuộc họp G20. Trước đó, Tổng thống Joe Biden cũng đề xuất giải pháp thay thế nếu không thể loại Nga khỏi diễn đàn kinh tế G20 là mời Ukraine tham dự cuộc họp.

Có thể nói hiện nay, rất nhiều con mắt đang đổ dồn về phía Indonesia, chờ đợi các bước đi chiến lược của Chủ tịch G20, làm sao để đảm G20 không trở thành phương tiện chính trị làm trầm trọng và mở rộng xung đột Nga-Ukraine, trong khi vẫn cân bằng các lợi ích chính sách đối ngoại khác nhau, gắn bó các thành viên của khối và đảm bảo mục tiêu chính của G20 không bị ảnh hưởng. Thành công của nhiệm kỳ chủ tịch G20 cũng sẽ là cơ hội để Indonesia chứng minh vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế./.

 

VOV.VN

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.820.153
Truy cập hiện tại 3.674