Tìm kiếm tin tức
Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
Ngày cập nhật 29/03/2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, then chốt, phát huy bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết, phản biện tích cực về các vấn đề của 4 dự thảo Luật, đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: TL.

Trong 2 ngày 28-29/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về 04 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tới dự Hội nghị có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các đại biểu Quốc hội chuyên trách…

Tới dự Hội nghị có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các đại biểu Quốc hội chuyên trách… (Ảnh: TH) 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững, đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cả giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Tại Kỳ họp thứ nhất vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo định hướng cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV, trong đó đặt ra yêu cầu: “Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”.

Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81 triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó xác định 137 nhiệm vụ lập pháp với 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sắp tới có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp. Tại phiên họp thứ 8 và thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho ý kiến toàn diện các dự án Luật, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau; chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo giải trình, tiếp thu để xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 để vừa đảm bảo chất lượng cao nhất, vừa có thể tiết kiệm thời gian của Kỳ họp.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, nhấn mạnh và trao đổi một số nội dung cơ bản xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội:

Thứ nhất, về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, để đảm bảo chất lượng của dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến chú trọng vào các nội dung sau: Về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; Việc bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; Về nội dung cụ thể trong các nhóm vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; Xử lý về kỹ thuật lập pháp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật này và các Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá…

Nhấn mạnh Dự án Luật Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rất rộng, việc sửa đổi đòi hỏi phải được thực hiện một cách thận trọng, kỹ lưỡng, có tính tổng thể để bao quát hết các lĩnh vực, các đối tượng thi đua, khen thưởng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tập trung vào việc đảm bảo các quan điểm, yêu cầu, mục tiêu sửa đổi và một số nội dung như: Về bổ sung và tiêu chuẩn xét tặng hoặc truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang; Tiêu chuẩn, thẩm quyền đề nghị và xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; Về xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng… và những vấn đề khác mà đại biểu quan tâm nhằm bảo đảm công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa…” là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Tại Hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tập trung vào một số vấn đề, phương án quy định cụ thể các điều khoản chi tiết, hạn chế tối đa tình trạng “luật khung, luật ống”, nhất là về các nội dung: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; Cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; Phổ biến phim trên không gian mạng; (5) Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh… 

Đề cập đến dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho hay: Đến nay, dự thảo Luật đã cơ bản được hoàn thiện, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu phát biểu tập trung, sâu hơn về các vấn đề sau: Về tiếp tục hoàn thiện kết cấu của dự án Luật, về nguyên tắc áp dụng pháp luật; Các quy định về các loại hình bảo hiểm; các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; Việc tiếp tục duy trì hay dừng hoạt động của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; Về bảo hiểm vi mô... 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Thời gian tổ chức Hội nghị không dài, chỉ có 02 ngày để cho ý kiến về 04 dự án luật quan trọng. Do đó, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, then chốt, phát huy bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết; thảo luận, tranh luận thể hiện rõ chính kiến, có phân tích sâu sắc, lập luận thuyết phục, phản biện tích cực về các vấn đề của dự thảo Luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3. 

Ngay sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Hội nghị đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ./.

 

ĐCSVN

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.798.999
Truy cập hiện tại 1.540