Tìm kiếm tin tức
Bảo đảm tính công khai, minh bạch của hoạt động bảo hiểm, thị trường bảo hiểm
Ngày cập nhật 25/03/2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quan điểm trên khi cho ý kiến vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại phiên họp thứ 9 (đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào sáng 22/3.
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 9 (đợt 2) diễn ra vào sáng 22/3 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Bảo đảm tính công khai, minh bạch của hoạt động bảo hiểm, thị trường bảo hiểm - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Hiện dự luật được xây dựng với bố cục gồm 7 chương, 154 điều.

Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.

Về kết cấu của dự thảo Luật, Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cần bố cục lại một số chương, mục của dự thảo Luật để bảo đảm logic, hợp lý hơn.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được điều chỉnh theo hướng: Chuyển Mục 5 Chương II về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng, chống gian lận bảo hiểm và Chương VI về tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thành Mục 8 và Mục 9 của Chương III về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài vì các quy định tại các mục, chương này đều liên quan đến nội dung hoạt động và trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Đồng thời chuyển Mục 8 Chương III về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm vào Chương I về những quy định chung vì các quy định tại mục này có phạm vi áp dụng chung cho các chủ thể trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Về nguyên tắc áp dụng luật (Điều 3), có ý kiến đề nghị xem xét quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 về hợp đồng bảo hiểm hàng hải. Theo đó, không cần thiết quy định nguyên tắc áp dụng hợp đồng bảo hiểm hàng hải tại Luật Kinh doanh bảo hiểm mà áp dụng chung theo Bộ luật Dân sự, chỉ quy định những vấn đề đặc thù cụ thể phải áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ Chương quy định về hợp đồng bảo hiểm và chỉ quy định chung về hợp đồng. Do đó, để xác định rõ thứ tự ưu tiên áp dụng luật và bao quát được toàn bộ quy định về hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm hàng hải, cần thiết phải quy định nguyên tắc áp dụng luật tại Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, hợp đồng bảo hiểm hàng hải được áp dụng theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; đối với những vấn đề mà Bộ luật Hàng hải không quy định thì áp dụng theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Những vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm thì được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về hợp đồng bảo hiểm (Chương II), một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm vừa phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Hợp đồng bảo hiểm là một chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Do đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung tại Chương này như: Bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…

Về công khai thông tin bất thường (Điều 103), có ý kiến đề nghị không công khai thông tin về quyết định của Đại hội đồng cổ đông bất thường; thông tin về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; bản án tòa án và quyết định khởi tố người quản lý của Công ty quy định tại Điều 103 của dự thảo Luật.

Ông Vũ Hồng Thanh cho hay, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng: Bỏ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 103 về việc công khai thông tin quyết định của Đại hội đồng cổ đông bất thường do liên quan đến bí mật kinh doanh của doanh nghiệp; sửa đổi Điểm e Khoản 1 Điều 103 theo hướng chỉ công khai các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được công bố trên cổng thông tin điện tử của Tòa án liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài;...

Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong hoạt động đại lý bảo hiểm (Điều 133), có ý kiến đề nghị bỏ nội dung quy định về "thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền lợi khác" tại Điểm c Khoản 1 Điều 133 để bảo đảm quyền tự chủ của doanh nghiệp, nhất là trong việc tăng tính cạnh tranh nhằm thu hút đại lý giữa các doanh nghiệp bảo hiểm theo quy luật kinh tế thị trường.

Về vấn đề nêu trên, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định rõ các khoản mà đại lý bảo hiểm (bao gồm cả đại lý bảo hiểm nhân thọ và đại lý bảo hiểm phi nhân thọ) có thể được nhận và các khoản này được quy định rõ tại hợp đồng đại lý bảo hiểm để công khai, minh bạch nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho cả đại lý bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức trần tối đa các khoản chi liên quan đến hoa hồng đại lý bảo hiểm, thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền, lợi ích hợp pháp khác, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm để lôi kéo đại lý bảo hiểm.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là dự luật khó, phức tạp; trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án luật cần hết sức quan tâm đến việc bảo đảm tính công khai, minh bạch của hoạt động bảo hiểm, thị trường bảo hiểm.

Đồng thời, cần tiếp tục rà soát các chương, điều để dự án luật logic và hợp lý hơn. Bên cạnh đó, cần hết sức chú ý, quan tâm rà soát, làm rõ các loại hình bảo hiểm, thực hiện nhất quán các tiêu chí trong phân loại các loại hình bảo hiểm. Cần bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm…

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự án luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, cơ bản bảo đảm điều kiện để trình Quốc hội. Để hoàn thiện, dự án luật này còn phải thêm bước nữa là lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và ý kiến của một số cơ quan chức năng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này cũng như tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, ý kiến của các cơ quan hữu quan để bổ sung, hoàn thiện dự án Luật trước khi khi trình ra Quốc hội xem xét, quyết định./.

 

Chinhphu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.800.135
Truy cập hiện tại 1.804