Tìm kiếm tin tức
Tiếp nối truyền thống
Ngày cập nhật 20/01/2021

Thừa Thiên Huế có cách làm riêng cho giáo dục mũi nhọn gắn với phát hiện, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa của gia đình, dòng họ của vùng đất học.

Quả ngọt

Trong năm 2020, thêm một lần nữa, học sinh Huế được xướng danh trong các cuộc thi quốc tế khi Hồ Việt Đức, huy chương vàng Olympic quốc tế môn sinh học và Phan Hoàng Phương Nhi giành giải ba quốc tế viết thư UPU. Học sinh ở các cấp giành được hơn 900 giải thưởng cao tại các kỳ thi học sinh giỏi, trong đó, có 52 học sinh đoạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Đặc biệt, với 8 học sinh vào vòng hai đội tuyển học sinh giỏi quốc gia tham gia đội tuyển quốc tế, chất lượng giáo dục mũi nhọn của Thừa Thiên Huế đang có những đột phá. Bộ huy chương quốc tế trong phòng truyền thống của Quốc Học đã đầy đủ 5 bộ môn: toán, lý, hóa, sinh, tin.

Huế nổi tiếng là vùng đất học nhưng lâu nay lại không phải là tỉnh có vị thứ xếp hạng cao về giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà. Hiện nay, Trường THPT chuyên Quốc Học khiêm tốn ở vị trí thứ 15/63 tỉnh, thành; ở miền Trung đứng thứ 3, sau Hà Tĩnh và Nghệ An.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quy định chế độ, chính sách cho học sinh giỏi và giáo viên, song so với nhiều địa phương, con số này vẫn khiêm tốn. Khách quan mà nói, đầu tư cho giáo dục mũi nhọn ở Thừa Thiên Huế vẫn còn hạn chế, chủ yếu vẫn là phát huy giáo dục truyền thống của vùng đất hiếu học. “Thế hệ vàng” giáo viên chuyên luyện đang vắng dần và dường như Quốc Học đang bị “khuyết” những người có tài, có tâm huyết và kinh nghiệm thật sự để tiếp tục tạo nên “cú hích” ở những đấu trường trí tuệ lớn.

Cơ chế và cũng là lợi thế cho giáo dục mũi nhọn khi Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định giải pháp chủ yếu là “xây dựng Trường THPT chuyên Quốc Học trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam”. Hướng đến được đầu tư để trở thành trường chất lượng kiểu mẫu của toàn quốc, ngôi trường này sẽ không chỉ nổi tiếng đào tạo có chất lượng về văn hóa, mà còn có môi trường giáo dục tốt khi học sinh được rèn luyện nhiều kỹ năng.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc đầu tư để Quốc Học trở thành trường kiểu mẫu phù hợp với tình hình hiện nay là rất cần thiết. Điều đó đồng nghĩa với việc giáo dục mũi nhọn ở Thừa Thiên Huế sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các chính sách đặc thù về chương trình giảng dạy, phương thức tuyển dụng, chính sách thu hút giáo viên; đầu tư nhiều nguồn lực cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với các trường trung học, đại học danh tiếng trên thế giới…

“Sắp đến, chúng tôi sẽ mời những người thầy từng giảng dạy ở Quốc Học qua các thời kỳ tiếp tục truyền lửa cho học sinh tham gia ở các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia và quốc tế”, thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học bày tỏ mong muốn khôi phục một số môn học từng một thời hoàng kim ở Quốc Học.

Một miếng giữa đàng...

Cách đây gần hai năm, trước ngày 7 học sinh của Thừa Thiên Huế xuất sắc lên đường tham gia đội dự tuyển Olympic Quốc tế, lần đầu tiên, học sinh, phụ huynh và giáo viên trực tiếp bồi dưỡng các em đã có buổi gặp mặt với lãnh đạo tỉnh. Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng, chưa bao giờ họ cảm thấy tự hào, được “thơm lây’’ với thành tích học tập của con khi được quan tâm, trân trọng trước khi “đem chuông đi đánh xứ người”. Kể từ đó, bất cứ cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế nào, trước và sau ngày các em có kết quả đều có sự động viên, khích lệ của lãnh đạo tỉnh.

Trò giỏi thì thầy hay, thế nên, tại các lễ tuyên dương học sinh giỏi  không thể vắng bóng người thầy. Ví như Hồ Việt Đức được vinh danh, đồng nghĩa cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hạnh, giáo viên bồi dưỡng Đức được khen thưởng tương xứng. Lê Công Minh Hiếu, huy chương đồng Olympic vật lý châu Á; Tống Phước Thanh An, Tống Phước Thanh Bình đạt giải nhất môn vật lý quốc gia gắn liền với tên tuổi hai giáo viên là Trương Thị Đoan Trang và Lê Quốc Anh sát cánh cùng các em trong nhiều năm qua. Với cách làm này, nhiều giáo viên dạy bộ môn chuyên đã chuyên tâm hơn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cũng như không ngừng nâng cao trình độ mỗi khi học trò mình vào “tầm ngắm” của các cuộc thi quốc gia và quốc tế. “Tôi thấy vinh dự, tự hào và có trách nhiệm với công việc bồi dưỡng học sinh giỏi khi cô trò chúng tôi được UBND tỉnh tặng bằng khen và vinh danh”, cô giáo Nguyễn Thị Diệu  Hạnh chia sẻ.

Không khó để phát hiện những học sinh ở Thừa Thiên Huế có tố chất thiên phú để đào tạo, bồi dưỡng cho các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Khuyến học ở Huế sẽ không hiệu quả nếu không dựa vào truyền thống hiếu học ở các dòng họ. Thế nên, không phải ngẫu nhiên khi Thừa Thiên Huế chọn Văn miếu Quốc Tử Giám để vinh danh “Học sinh danh dự toàn trường”. Đây là trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại trên đất nước ta; là di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, có giá trị cao, biểu tượng cho sự học của vùng đất học từng là Kinh đô của đất nước.

Lần này, toàn tỉnh có 367 em đạt danh hiệu “Học sinh danh dự toàn trường” trên tổng số 72.480 học sinh cấp tiểu học hoàn thành tốt nhiệm vụ, 18.929 học sinh cấp trung học cơ sở và 6.049 học sinh cấp trung học phổ thông đạt danh hiệu học sinh giỏi. Các em không chỉ học giỏi văn hóa mà xuất sắc toàn diện, được tập thể lớp, trường suy tôn bình chọn là học sinh danh dự tiêu biểu điển hình của trường. Trong trang phục áo dài truyền thống, các em càng được tôn thêm vẻ đẹp trí - thể - mỹ, giá trị tinh thần, niềm vinh dự, sự ham học, học giỏi và đỗ đạt, giá trị mang đậm dấu ấn tinh hoa văn hóa của vùng đất một thời là kinh sư của dân tộc. Đây sẽ là một vinh dự rất lớn lao, được tỉnh khen thưởng và cũng là một hình thức đặc biệt để biểu dương hiền tài và khuyến khích học tập, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự hào dân tộc.

Có một điều tôi cảm thấy thú vị trong hôm diễn ra lễ vinh danh khi có nhiều em nhà nghèo nhưng học rất giỏi. Tại khu vực dành cho phụ huynh, nhiều bà mẹ kịp làm quen với nhau khi con họ có điểm chung, hoàn cảnh khó khăn, học giỏi và là niềm tự hào của dòng tộc. Nhiều người tưởng chừng phải cho con nghỉ học giữa chừng để làm thêm phụ gia đình nhưng đã được tiếp sức kịp thời từ dòng họ, chính quyền, xã hội. “Một miếng giữa đàng hơn một sàng trong bếp”, từ lễ vinh danh, các em thấy cần nỗ lực phấn đấu, còn phụ huynh có trách nhiệm hỗ trợ các con học tốt hơn. Theo con lên Văn miếu Quốc Tử Giám để nhận thưởng đôi mắt của những người mẹ nghèo ánh lên những tia hy vọng...

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.791.559
Truy cập hiện tại 2.206