Tìm kiếm tin tức
Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch
Ngày cập nhật 13/11/2020
(Chinhphu.vn) - Nhiều mô hình, sáng kiến hay đã được các địa phương, đơn vị làm du lịch triển khai nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, góp phần phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng phát triển bền vững.

 

Dọn rác tại Hòn Yến. Ảnh TTXVN

Du lịch ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường

Theo Tổng cục Du lịch, du lịch Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh chóng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Năm 2018, theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế tăng mạnh nhất và là điểm nhấn của du lịch thế giới. Năm 2019, du lịch Việt Nam đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 85 triệu khách nội địa.

Du lịch phát triển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng giá trị tổng sản phẩm quốc dân, giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động, tăng thu nhập đầu người, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện giao lưu văn hoá và hội nhập với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch cũng gây những tác động không nhỏ đến môi trường, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam nói chung và hình ảnh của du lịch Việt Nam trong con mắt khách du lịch trong nước và quốc tế. Vấn đề về chất thải, nước thải phát sinh trong lĩnh vực du lịch chưa được thu gom và xử lý kịp thời theo quy định. Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa được thực hiện đồng bộ, hoặc có thực hiện nhưng không thường xuyên tại các khu, điểm du lịch. Nước thải từ các cơ sở du lịch vẫn còn tình trạng chưa được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Đáng chú ý, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch mới chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế trước mắt đã khai thác nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu du khách một cách không hợp lý, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng các phương tiện khai thác quá mức các nguồn tài nguyên như rạn san hô, hải sản... dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi hải sản, suy giảm đa dạng sinh học. Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày 3 một gia tăng trong những năm qua cũng làm giảm sự hấp dẫn của các điểm đến của du lịch Việt Nam.

Nhiều cách làm hay

Du lịch muốn phát triển không thể không gắn chặt với môi trường, chính vì vậy, nhiều địa phương đưa bảo vệ môi trường là một vấn đề có tính sống còn của du lịch hiện nay.

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, TP. Huế đang tăng tốc triển khai đề án xe đạp thông minh. Đề án này sẽ là điểm nhấn để cộng đồng người dân và du khách trải nghiệm các điểm danh lam thắng cảnh của Thành phố bằng xe đạp, và cũng là giải pháp bảo vệ môi trường, hướng đến thành phố du lịch xanh-sạch-sáng mà Huế đang xây dựng.

Theo UBND TP. Huế, địa phương đã giao các đơn vị chuyên môn lập đề án cho thuê tài sản công để khai thác thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng thông minh tại khu vực trung tâm thành phố. Đến nay, đề án đã hoàn chỉnh lộ trình, hướng tuyến khai thác, các vị trí đầu tư xây dựng và phương án thiết kế trạm xe đạp công cộng.

Xe đạp công cộng thông minh đã được nhiều thành phố du lịch nổi tiếng thế giới sử dụng. Tại Việt Nam đã có một số địa phương áp dụng nhưng chỉ mang tính chất “cá nhân” của những đơn vị doanh nghiệp du lịch, chưa phát triển ở quy mô rộng cho cộng đồng. Việc xây dựng đề án này ở thành phố Huế sẽ mở ra nhiều cơ hội trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách, hướng đến một thành phố du lịch xanh, thân thiện mà địa phương này đang xây dựng.

Tại Phú Yên, Hòn Yến là danh thắng có đa dạng sinh học cao cả trên cạn và dưới nước, đặc biệt là rạng san hô. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây Hòn Yến bị ô nhiễm bởi có nhiều rác thải sinh hoạt. Một trong những hoạt động nổi bật của Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2020 tại Phú Yên là cải thiện môi trường khu vực này.

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), các hoạt động bảo vệ môi trường đã được đẩy mạnh tại Hòn Yến. Có 5 điểm tập kết rác thải sinh hoạt tự phát của người dân đã được dọn dẹp sạch sẽ. Bên cạnh đó, hàng chục thùng rác được trang bị phục vụ việc tập kết rác của người dân; hơn 400 m2 được phủ xanh bởi thảm thực vật mới là bàng biển và rau muống biển.

Sau lễ phát động chương trình "Sạch biển Hòn Yến – đẹp mãi Phú Yên" vào cuối tháng 10/2020, hơn 300 đoàn viên, thanh niên và người dân địa phương đã tham gia dọn rác dọc khu vực Hòn Yến. Cũng trong dịp này, nhiều hoạt động khác được WWF hỗ trợ thực hiện đồng loạt tại Phú Yên như: Tập huấn về thải bỏ đúng, thu gom và xử lý rác thải rắn theo cách thân thiện với môi trường; tổ chức cuộc thi Trường xanh – Biển sạch; xây dựng bộ tiêu chí "Khách sạn xanh" không rác thải nhựa…

Mới đây, Lễ hội thể thao và du lịch Mekong Delta Marathon Hậu Giang 2020 thành công tốt đẹp đã tiếp thêm động lực viết tiếp hành trình chung tay hướng đến thông điệp “Một vận động viên chạy - Một cây xanh được trồng. Mỗi bước chạy - Một tấm lòng chia sẻ về miền Trung”. Thông qua đó, góp một phần tiếng nói, hình ảnh, thể hiện tinh thần trách nhiệm thông qua những hành động thiết thực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mang đến màu xanh tươi đẹp và phát triển cho đồng bằng. Mỗi tập thể, cá nhân trong toàn vùng sẽ tích cực trồng cây xanh để phủ xanh đồng bằng và hình thành thói quen rèn luyện thể thao thông qua chạy bộ; để mỗi người dân trở thành một vận động viên chạy bộ chân chính.

Đầu tháng 11/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Tổng cục Du lịch thực hiện nhiệm vụ “Tổ chức phát động bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch” nhằm xây dựng ý thức, nâng cao trách nhiệm phối hợp của các cấp, các ngành, cho tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cộng đồng hướng đến một môi trường xanh - sạch - đẹp cho các điểm du lịch.

Theo đó, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức lễ phát động bảo vệ môi trường tập trung tại bãi biển Nha Trang; Tổ chức thu gom, làm vệ sinh khu vực bãi biển Nha Trang với sự tham dự của đại biểu, cộng đồng dân cư địa phương, học sinh - sinh viên và đại diện các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; Tổ chức diễu hành, cổ động bằng xe máy, xe đạp có gắn cờ đuôi nheo tuyên truyền bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch (trong vòng 07 ngày trước, trong và sau lễ phát động). Đồng thời tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, báo đài địa phương về phát động bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch…

Thời gian tới, hy vọng bằng những hành động cụ thể, hiệu quả, sẽ có thêm nhiều địa phương cũng như đơn vị làm du lịch xây dựng chương trình phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, góp phần phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng phát triển bền vững.
 

Nhật Thy
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.795.773
Truy cập hiện tại 671