Nhấn mạnh những kết quả đạt được trong công tác tư pháp đầu năm, đồng chí Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc Sở nêu rõ: Công tác chỉ đạo, điều hành của Ngành Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế được thực hiện nghiêm túc, bằng việc Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp tham mưu ban hành kịp thời các kế hoạch để cụ thể hóa để triển khai thực hiện như: Chương trình công tác năm 2022; các Kế hoạch tổng kết 05 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản, 06 năm triển khai thực hiện Luật Hộ tịch, 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật... Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch công tác và các nhiệm vụ phát sinh, đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện; thường xuyên rà soát, theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp đã kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, đã kịp thời hơn trong nắm bắt những bất cập, vướng mắc chuyên môn ở cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Một số mặt công tác có kết quả tốt như: Công tác thẩm định, tham gia góp ý văn bản QPPL đã thực hiện đúng kế hoạch, quy trình và đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ đề ra; đã kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan giải đáp kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; công tác tổ chức tập huấn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện đến cấp huyện, cấp xã theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Sở Tư pháp, các huyện, thị xã thành phố đã tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3392/QĐ-UBND ngày 23/12/2021 về phê duyệt Đề án kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 – 2025 làm cơ sở để các địa phương tổ chức thực hiện,...
Bên cạnh những kết quả đạt được ở một số lĩnh vực công tác vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: Việc thực hiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có lúc chưa thực hiện đúng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL tuy đã được áp dụng song vẫn còn hạn chế; công tác xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng còn nhiều sai sót; về liên thông giữa các TTHC chưa thực hiện được, việc làm sạch dữ liệu dân cư tại Đề án 06 vẫn còn tồn đọng một số ít hồ sơ chưa xử lý được. Nguyên nhân do 6 tháng đầu năm 2022 phát sinh rất nhiều công việc đột xuất, cùng với khối lượng công việc thường xuyên đã rất lớn, yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ, trong khi đội ngũ công chức, viên chức có xu hướng giảm về số lượng, một số trường hợp chưa theo kịp đòi hỏi, yêu cầu về chất lượng. Kinh phí, điều kiện bảo đảm triển khai công việc trong một số lĩnh vực còn hạn chế, không đồng đều giữa các địa phương, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; tổ chức thi hành pháp luật,...
Tại Hội nghị đã có 15 ý kiến tham gia của các đại biểu phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ và trả lời các kiến nghị của các phòng chuyên môn thuộc Sở, như: hướng dẫn thêm cho các đơn vị cấp huyện về quy trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL; về đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật là nhân dân ít được tham gia; khó khăn trong việc làm sạch dữ liệu dân cư tại các địa phương (nhất là các đối tượng chính sách); về nhu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính không phát sinh do người dân không có nhu cầu; về hỗ trợ thêm cho các đơn vị cấp cơ sở trong tập huấn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính; đặc biệt là việc bố trí công chức tại Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức tư pháp – hộ tịch tại các xã, phường, thị trấn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao ngày càng nhiều.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đào Chuẩn, Giám đốc Sở ghi nhận thành tích công tác tư pháp đạt được, đồng thời cũng phân tích những hạn chế, tồn tại trong công tác tư pháp trong 6 tháng đầu năm và để triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2022, đồng chí đề nghị các đơn vị nghiên cứu, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp 6 tháng cuối năm tại Quyết định số 342/QĐ-UBND ngày 27/01/2022 của UBND tỉnh để tiếp tục triển khai, thực hiện, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch công tác năm đề ra; đề nghị Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp tại địa bàn; cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao cho ngành tư pháp trong điều kiện biên chế ngày càng thu hẹp như hiện nay./.