Tìm kiếm tin tức
Khả năng phục hồi của thị trường lao động tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh
Ngày cập nhật 15/04/2022
Các tổ chức quốc tế dự báo, khả năng phục hồi của kinh tế - xã hội nói chung và thị trường lao động nói riêng trong 2022 tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh COVID-19.
Lao động việc làm đang dần khởi sắc (Ảnh: HNV)

Với Việt Nam, nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đã có hiệu quả rõ rệt đối với thị trường lao động Việt Nam. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch đã giảm mạnh.

Đối mặt với thách thức từ dịch bệnh

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 01/2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định biến thể Omicron đang là một trở ngại đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2022, khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại, đặc biệt ở hai nền kinh tế lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc. IMF đánh giá kinh tế toàn cầu bước vào năm 2022 với vị thế yếu hơn dự kiến trước đó, khi sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11/2021 đe dọa làm chậm quá trình phục hồi kinh tế. Tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 4,4%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2021.

Trong lĩnh vực lao động việc làm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng khả năng phục hồi của thị trường lao động năm 2022 chậm và không chắc chắn do đại dịch sẽ tiếp tục tác động đáng kể đến thị trường lao động toàn cầu. ILO đã hạ mức dự báo về khả năng phục hồi của thị trường lao động năm 2022, với mức thâm hụt thời gian làm việc toàn cầu trong năm 2022 so với Quý IV/2019 sẽ tương đương với 52 triệu việc làm toàn thời gian. Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì ở mức cao hơn trước đại dịch COVID-19 ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, so với 186 triệu năm 2019. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cùng với đó, sự ủng hộ của Nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy tác động, hiệu quả, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Kinh tế – xã hội 3 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Nhờ vậy, các hoạt động kinh tế – xã hội trong 3 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I năm 2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%. Thị trường lao động việc làm của Việt Nam quý I năm 2022 đã dần phục hồi trở lại cùng nền kinh tế thích ứng linh hoạt. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý I năm 2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể so với quý trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước.

Quý I/2022, thị trường lao động, việc làm đã có điểm sáng tích cực

 Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đã có hiệu quả rõ rệt đối với thị trường lao động Việt Nam. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 đã giảm mạnh.

Trong quý I năm 2022, mặc dù cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng con số này đã giảm mạnh so với quý trước (giảm 7,8 triệu người). Đây là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi đất nước chứng kiến sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Cũng trong quý I năm 2022, lực lượng lao động tiếp tục phục hồi ngay cả khi số ca nhiễm COVID-19 trong cả nước không ngừng gia tăng.

Tổng cục Thống kê đánh giá, nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP cùng với các chính sách nới lỏng giãn cách xã hội và hoàn thành tiêm vắc xin trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã tạo điều kiện cho thị trường lao động dần đạt được mức tăng trưởng của thời kỳ trước khi chưa xuất hiện đại dịch.

Mặc dù trải qua một năm 2021 đầy khó khăn và thách thức dưới sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng do chủ động thực hiện các biện pháp thích ứng linh hoạt của Chính phủ trong những tháng cuối năm vừa qua nên thị trường lao động đã từng bước quay trở lại trạng thái bình thường, số lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và trong các doanh nghiệp tăng đáng kể trong quý IV năm 2021, tương ứng đạt 16,2 triệu người và 12,7 triệu người, tăng 1,3 triệu người và tăng 667,4 nghìn người so với quý III năm 2021. Tốc độ phục hồi của lao động trong các đơn vị sản xuất kinh doanh này tiếp tục được ghi nhận trong quý I năm 2022 với mức 16,8 triệu người và 13,3 triệu người, tương ứng tăng 533,4 nghìn người và tăng 521,5 nghìn người so với quý IV năm 2021 và tăng 1,8 triệu người và tăng 1,2 triệu người so với thời điểm đỉnh dịch năm trước (quý III năm 2021). Cơ sở kinh doanh cá thể là khu vực thu hút nhiều lao động quay trở lại làm việc nhiều nhất, số lao động tăng lên trong khu vực này chiếm tỷ trọng 55,4% số lao động tăng thêm trong kỳ.

So với quý trước, số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng chủ yếu ở lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thị trường lao động phục hồi nhanh nhưng chưa thực sự bền vững.

Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cũng đã làm cho tình trạng thiếu việc làm của người lao động quý đầu năm 2022 được cải thiện, tiếp nối với thành quả phục hồi đã ghi nhận được ở quý IV năm 2021.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 6,4 triệu đồng, tăng mạnh so với quý trước và được cải thiện hơn so với cùng kỳ 2021.

Thị trường lao động quý I đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ.

Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngay trong quý I năm 2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, cụ thể tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý trước.

 Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Có thể thấy, nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP của các cấp, các ngành, các địa phương cùng với các chính sách nới lỏng giãn cách xã hội và hoàn thành tiêm vắc xin trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã tạo điều kiện cho thị trường lao động dần phục hồi và đạt được mức tăng trưởng khá. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 đã giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng ngay cả khi số ca nhiễm COVID-19 trong cả nước vượt mức hàng chục nghìn ca mỗi ngày. Lao động có việc làm tăng mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm. Thu nhập của người lao động đã dần được cải thiện.

Mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững. Số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Lao động tự sản tự tiêu giảm nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu khi chưa xảy ra đại dịch.

Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp:

Một là, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Hai là, triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, lao động không tham gia hoạt động kinh tế tham gia thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống của người dân.

Ba là, nghiên cứu xây dựng các chương trình chính sách đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế./.

 

ĐCSVN

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.796.959
Truy cập hiện tại 996