Tìm kiếm tin tức
Trọn đời rèn luyện theo gương Bác Hồ
Ngày cập nhật 06/05/2022

Đã ở tuổi 93 nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Tích, thôn 3, xã Vũ Quý (Kiến Xương, Thái Bình) vẫn dẻo bước trên ba chục bậc cầu thang khi mời chúng tôi lên tầng ba của căn nhà, nơi có phòng trưng bày những kỷ vật, ký ức, kỷ niệm thời quân ngũ.

Căn phòng không rộng nhưng được bài trí khá đẹp. Giữa phòng là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trang trọng trên bục gỗ chắc chắn. Bức tường phía sau tượng là bức đại tự: “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO” - lời Bác Hồ kêu gọi quân và dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược năm 1966. Cụ Tích chậm rãi giới thiệu với chúng tôi về lịch sử các kỷ vật trưng bày trong phòng. Đứng trước tấm bằng Huy hiệu 70 năm tuổi đảng, Huân chương Quân công hạng Ba được Đảng, Nhà nước trao tặng và tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Mạnh Chiến - người con trai cả của cụ hy sinh năm 1971 tại chiến trường miền Nam, cụ Tích ngậm ngùi: Đây là cả cuộc đời tôi theo cách mạng và làm theo lời Bác Hồ dạy. Có lẽ cụ Tích là một trong số ít cựu chiến binh (CCB) ở Thái Bình có “Phòng Hồ Chí Minh” tại gia đình mà chúng tôi nói vui là “Bảo tàng tư nhân” của cụ.

Bên chén trà nóng, cầm trên tay cuốn “Lịch sử Trung đoàn Tên lửa 263” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2006, hướng mắt về tượng Bác Hồ, giọng nói nhẹ, ấm, cụ chậm rãi kể về cuộc đời theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng: Tôi sinh ngày 3/2/1930, đúng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyện ngẫu nhiên này, sau khi lớn lên tham gia cách mạng tôi mới biết. Năm 1945, tôi tham gia phong trào thanh niên phản đế cùng nhân dân cướp chính quyền ở huyện Vũ Tiên rồi vào du kích của xã Thường Kiệt (nay là xã Vũ Quý) tham gia bảo vệ buổi lễ thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình ngày 20/4/1947 tổ chức tại khu nhà Séc, phủ Sóc, huyện Kiến Xương. Tháng 10/1950, tôi nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội Đề Thám, 1 trong 4 đại đội đầu tiên của Tỉnh đội Dân quân Thái Bình. Sau đó tôi và một số anh em được điều về Trung đoàn 50 trực thuộc Liên khu 3, chiến đấu đánh đồn, phá bốt, diệt tề, tham gia xây dựng lực lượng vũ trang cơ sở của tỉnh Thái Bình. Giữa năm 1953, tôi cùng đồng đội hành quân vào Thanh Hóa huấn luyện làm lực lượng dự bị chiến lược trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tôi được điều về Lữ đoàn Pháo binh 368 và được cử đi học tại Trung Quốc. Khi về nước, đúng vào lúc đế quốc Mỹ mở chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, tôi được điều về Trung đoàn Pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Năm 1967 tôi được cử đi học kỹ thuật tên lửa ở Liên Xô. Kết thúc khóa học, tôi được điều về Trung đoàn Tên lửa 263, giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 56 bảo vệ bầu trời các tỉnh Quân khu 4. Trận đánh ngày 22/11/1972, lúc đó tôi là Trung đoàn phó cùng kíp chiến đấu bắn rơi 2 máy bay B52 của Mỹ trên bầu trời khu vực huyện Đô Lương và huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, qua đó giúp đơn vị rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, góp phần đánh thắng 12 ngày đêm trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không trên bầu trời Thủ đô Hà Nội năm 1972. Năm 1974, tôi được bổ nhiệm giữ chức Trung đoàn trưởng. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ trên không cho các cánh quân phía Bắc, Tây Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn, sau đó tiếp tục huấn luyện chiến đấu, xây dựng Trung đoàn Tên lửa 263. Đến năm 1982, tôi được nghỉ hưu với cấp bậc trung tá.

Vừa nghe cụ kể về cuộc đời chinh chiến qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tôi lướt xem cuốn “Lịch sử Trung đoàn Tên lửa 263” mà ngưỡng mộ chiến công oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn trong đó có những đóng góp xứng đáng của cụ Tích. Trung đoàn đã đánh 294 trận, bắn rơi 67 máy bay, trong đó có 9 pháo đài bay B52 của Mỹ, được Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Lựa lúc cụ ngừng lời, tôi hỏi về những kỷ niệm sâu sắc nhất của cụ khi công tác và chiến đấu tại Trung đoàn Tên lửa 263. Chiêu ngụm nước xấp giọng, cụ kể: Tôi có đến gần 10 năm ở Trung đoàn Tên lửa 263. Các anh bảo, chiến đấu gian khổ, ác liệt là thế, hy sinh là thế, người cán bộ chỉ huy nào cũng có rất nhiều kỷ niệm với anh em, với đơn vị. Nhưng kỷ niệm về trận chiến đấu ngày 28/8/1969 trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 56, tôi cùng kíp chiến đấu phóng một quả đạn, bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay không người lái nhãn hiệu 147s của Mỹ, được Bác Hồ gửi tặng lẵng hoa. Chúng tôi vô cùng xúc động trước phần thưởng cao quý này và cũng không ngờ rằng đây là lẵng hoa cuối cùng Bác tặng bộ đội trước lúc Người đi xa. Một kỷ niệm khó quên nữa là đơn vị được tham gia bảo vệ vùng trời khi Lãnh tụ Fidel Castro, Chủ tịch nước Cộng hòa Cu Ba vào thăm vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị tháng 9/1973 và khi đơn vị được đại diện cho Binh chủng Tên lửa tham gia diễu binh mừng đại thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước tổ chức ngày 15/5/1975 tại thành phố mang tên Bác. Lúc đó, với cương vị Trung đoàn trưởng, đứng trên chiếc xe mui trần diễu qua lễ đài, nhìn nhân dân thành phố vẫy cờ, hoa đón chào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chào các chiến sĩ quân giải phóng mà lòng tôi vô cùng xúc động, nhớ về các đồng chí, đồng bào, đồng đội đã chiến đấu, hy sinh để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, trong đó có người con trai cả của tôi, liệt sĩ Nguyễn Mạnh Chiến.

Tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Dường như để nén những xúc động, những kỷ niệm về sự hy sinh của đồng đội vừa dâng trào, cụ đứng dậy dạo quanh phòng, ngắm nhìn tượng Bác, cụ dừng lại hồi lâu trước di ảnh người con trai cả, liệt sĩ Nguyễn Mạnh Chiến. Căn phòng tĩnh lặng như thể cùng chia sẻ những cảm xúc của cụ. Quay lại ghế ngồi, cụ Tích kể tiếp: Tôi nghỉ hưu năm 1982. Thời kỳ này đất nước ta còn muôn vàn khó khăn, vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ lại phải đương đầu với chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và sự cấm vận của Mỹ. Bà nhà tôi là nông dân, trông vào mấy sào ruộng khoán. Lương hưu của một trung tá mà chi tiêu của gia đình vẫn chật vật khó khăn. Các cháu còn đang đi học. Để khôi phục kinh tế gia đình, tôi làm đủ mọi việc, từ đào ao, đóng gạch, lấp trũng, làm nhà rồi tham gia bán hàng tạp hóa ở thị tứ phủ Sóc. Cuối năm 1982, đầu năm 1983, vào dịp Đại hội Chi bộ thôn, các anh lãnh đạo xã đến vận động tôi tham gia chi ủy và làm bí thư chi bộ. Tôi từ chối vì thấy mình vừa về hưu, tình hình địa phương chưa nắm chắc. Mặt khác, ở bộ đội tôi là cán bộ quân sự nên kinh nghiệm vận động quần chúng có hạn. Nhưng các anh lãnh đạo xã mong muốn tôi tham gia công tác để góp phần giải quyết một số vấn đề nổi cộm ở địa phương và dìu dắt, bồi dưỡng lớp trẻ. Quả thật là tôi cũng không dám nhận. Nhưng được bà nhà tôi và các con ủng hộ, thế là tôi đồng ý để chi bộ giới thiệu bầu vào chi ủy, bầu bí thư và kết quả là tôi trúng phiếu rất cao.

Khi vào làm bí thư chi bộ rồi mới thấy phức tạp, không như thời mình ở quân đội cứ “quân lệnh như sơn”. Làm bí thư chi bộ phải sâu sát, gần gũi bà con, lắng nghe ý kiến của đảng viên và nhân dân, cùng chi ủy bàn bạc, đề xuất ý kiến với lãnh đạo xã rồi mới triển khai thực hiện. Việc nào khó đưa ra tập thể bàn bạc thống nhất quyết định. Cứ thế, công việc trong thôn dần trôi chảy. Những phức tạp tồn đọng được giải quyết có lý, có tình. Hàng năm chi bộ đều được công nhận đạt trong sạch, vững mạnh. Đến năm 1985, tại Đại hội Đảng bộ xã Vũ Quý, tôi được bầu vào Đảng ủy, giữ chức Phó Bí thư Đảng bộ. Khi thành lập hội CCB, tôi được tín nhiệm tham gia ban chấp hành và giữ chức Phó Chủ tịch Hội CCB xã. Việc của Đảng, của Hội tôi đều tham gia nhiệt tình với trách nhiệm của một đảng viên, một hội viên CCB.

Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, CCB Nguyễn Văn Tích đã có nhiều việc làm thiện nguyện tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Năm 2014 Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hàng ngày, theo dõi thông tin thời sự, thấy các chiến sĩ cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam phải đối mặt, đấu tranh với tàu Trung Quốc trong điều kiện vô vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cụ Tích đã quyết định rút tiền tiết kiệm từ lương hưu 30 triệu đồng, trực tiếp trao cho Ủy ban MTTQ tỉnh chuyển tới cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ gìn biển đảo quê hương. Noi theo việc làm của bố, gia đình con trai Nguyễn Mạnh Thắng làm 100 bức tranh có nội dung tuyên truyền về chủ quyền biển đảo gửi tặng các trường mầm non trong tỉnh Thái Bình. Chia sẻ cùng đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt, cụ Tích ủng hộ 10 triệu đồng. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lại thêm lần nữa cụ nêu gương ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 số tiền 15 triệu đồng. Năm 2020, Bộ Quốc phòng gửi tặng CCB Nguyễn Văn Tích 3 triệu đồng vì đã trực tiếp chỉ huy đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cụ đã đem phần quà đó tặng thôn mua bổ sung nội thất nhà văn hóa. Năm 2021, được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi đảng kèm theo tiền thưởng gần 13 triệu đồng, cụ trích thêm tiền lương hưu mang ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của xã 15 triệu đồng.

Lúc chào cụ ra về, cụ tiễn chúng tôi qua chừng ấy bậc cầu thang như lúc lên. Khi ra đến đường, tôi chào và chúc cụ trường thọ. Cụ cười đôn hậu, khẽ nói: Cảm ơn các anh đã tới thăm và có buổi trò chuyện rất xúc động. Nay tôi đã 93 tuổi rồi, nếu có về với tổ tiên cũng không phải ân hận. Chỉ cầu trời cho được mạnh khỏe để thấy được sự đổi thay của quê hương, đất nước, sự lớn khôn, trưởng thành của con cháu và thế hệ trẻ, đảm nhiệm gánh vác việc chung. Nhìn thần thái và ánh mắt, tôi biết cụ rất hạnh phúc.

 

Theo https://baothaibinh.com.vn

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.782.872
Truy cập hiện tại 2.684