Những điển hình
CCB Văn Đức Tuấn (Quảng Điền) nắm bắt được lợi thế, nhu cầu của địa phương đã xây dựng mô hình vườn ươm cây giống để cung cấp cho người dân quanh khu vực. Từ một mô hình nhỏ chỉ cung cấp cho bà con trong xã, vườn ươm của ông Tuấn dần được nhiều người biết đến do làm ăn uy tín, chất lượng cây giống đảm bảo và giá cả phải chăng. Mô hình vườn ươm cũng dần được mở rộng và thu lợi nhuận khá. Từ mô hình hộ gia đình, vườn ươm của ông Tuấn hiện thu hút 10 nhân công, với công việc quanh năm với mức lương khá.
Còn ở Phong Hải (huyện Phong Điền), không ai là không biết đến CCB Hoàng Phước Định, ông chủ của vựa nước mắm tại địa phương. “Là vùng biển, bà con đánh bắt hải sản vào tươi ngon, giá lại rẻ nên tôi nghĩ phải tận dụng lợi thế đó để làm ăn, phát triển kinh tế, cho ra đời những sản phẩm mang đặc trưng của địa phương. Từ một vài vại mắm làm thử mà lợi nhuận thật, tôi đã vay mượn thêm vốn để đầu tư cơ sở sản xuất nước mắm quy mô lớn hơn”, ông Định cho biết.
Cơ sở sản xuất nước mắm của CCB Phước Định không những cho thu nhập 400-500 triệu đồng/năm, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Cũng làm giàu từ biển, CCB Nguyễn Công Bính (Phú Vang) là chủ tàu cá đánh bắt xa bờ với hàng chục lao động. “Nhờ có những chính sách hỗ trợ, nguồn vay ưu đãi để đóng tàu thuyền, mua ngư lưới cụ nên tôi mới mạnh dạn đầu tư tàu đánh bắt xa bờ. Làm nghề ngư suốt ngày lăn lộn với sóng nước, đối mặt với nhiều hiểm nguy, nhưng còn sức là còn lao động, miễn sao mình làm ăn chân chính, phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái lớn khôn. Để có được cơ ngơi như hôm nay, tôi cũng bắt đầu từ hai bàn tay trắng, trải qua không biết bao khó nhọc. Nhưng tôi nghĩ, có chí hướng và biết tích cóp thì ắt sẽ thành công”, CCB Nguyễn Công Bính bộc bạch.
Những người lính, khi trở về cuộc sống đời thường, họ luôn vươn lên, tìm những mô hình phát triển kinh tế phù hợp để làm giàu cho gia đình, xã hội. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, họ còn giải quyết việc làm cho con em hội viên và tích cực đóng góp, tạo nguồn vốn vay ưu đãi trong các cấp hội.
Cùng giúp nhau vươn lên
5 năm qua, Hội CCB tỉnh đã triển khai cho các cấp hội khai thác các nguồn vốn vay ủy thác, tạo điều kiện cho 7.735 hộ vay. Đồng thời, tạo điều kiện cho 4.176 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế từ nguồn vốn của các cấp hội, tạo việc làm cho 6.893 lao động là CCB và con em CCB.
Bằng sự nỗ lực vận động, các cấp Hội đã xây dựng được quỹ nội bộ để giúp nhau phát triển kinh tế, nguồn quỹ lên đến 4,68 tỷ đồng (trong đó cho vay không lấy lãi 1,6 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 3 tỷ đồng). Ngoài ra, Hội viên CCB còn vay vốn ủy thác ở các đoàn thể khác (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân) với tổng số dư nợ 57,32 tỷ đồng, có 2.202 hộ hội viên vay, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động là hội viên và con em hội viên CCB.
Điều đáng mừng là 100% hội viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, trả lãi và gốc đúng kỳ hạn. Những nguồn vốn vay ưu đãi, là nguồn lực quan trọng để giúp hội viên CCB phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Phong trào giúp nhau giảm nghèo được các cấp hội và hội viên tích cực hưởng ứng, thực hiện. Bên cạnh sự nỗ lực cố gắng vươn lên thoát nghèo của mỗi hội viên, sự trợ lực, giúp đỡ kịp thời của các hội viên trong hội đã tăng thêm động lực cho các hội viên còn khó khăn mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế. Các hội viên nghèo không những được giúp đỡ phát triển kinh tế mà còn được hỗ trợ sửa chữa và xây dựng nhà.
Từ hiệu quả thiết thực của phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, đời sống của hội viên CCB được cải thiện rõ rệt, không còn hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,76% năm 2016 xuống còn 0,84% năm 2020; tỷ lệ hộ CCB khá, giàu tăng từ 36,75% năm 2016 lên 47,06 % năm 2020.
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế