Nhấn mạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của công chức tư pháp – hộ tịch trong thời gian qua, bà Phan Thùy Dương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp nêu rõ: Công chức tư pháp – hộ tịch đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện, tham mưu UBND cấp xã trình HĐND cùng cấp thông qua 223 Nghị quyết và trình UBND cùng cấp ban hành 08 Quyết định; công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cùng cấp ban hành được tiến hành thường xuyên, thông qua kết quả rà soát đã kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn. Tích cực tham gia ý kiến pháp lý đối với nhiều quyết định xử lý vi phạm hành chính trước khi cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong công tác hòa giải ở cơ sở, công chức tư pháp – hộ tịch đã tham mưu, hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm 100% thôn, xóm, làng, tổ dân phố, cụm dân cư... có ít nhất một Tổ hòa giải; tham mưu phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở và hỗ trợ tài liệu cho hòa giải viên ở cơ sở; tham gia, hướng dẫn các tổ hòa giải, các hòa giải viên thực hiện hòa giải các vụ việc có tính chất phức tạp, qua đó, giải quyết được các mâu thuẫn, vướng mắc cho các bên; tham mưu lãnh đạo UBND xã thực hiện hỗ trợ kinh phí cho các tổ hòa giải, hướng dẫn các tổ hòa giải, hòa giải viên thanh toán thù lao vụ việc hòa giải ở cơ sở đảm bảo theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải năm 2020 là 937 vụ, việc; hòa giải thành 760 vụ, đạt 81,1%, việc hòa giải chủ yếu là tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, tập trung các lĩnh vực hôn nhân gia đình, dân sự, tranh chấp đất đai… kết quả hoạt động của công tác hòa giải đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp khiếu kiện, khiếu nại, hạn chế phát sinh mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, góp phần giảm đáng kể các vụ khiếu kiện kéo dài, vượt cấp gây lãng phí tiền của, công sức của công dân và các cơ quan nhà nước. Công tác hộ tịch, chứng thực, chứng nhận và theo dõi về quốc tịch, nuôi con nuôi tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2020, số lượng hồ sơ TTHC do công chức tư pháp – hộ tịch tại UBND các xã, phường, thị trấn tiếp nhận và giải quyết 161.436 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 84,7% so với tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận tại Bộ phận tiếp nhận & trả kết quả UBND cấp xã trên toàn tỉnh điều này cho thấy khối lượng công việc rất lớn yêu cầu các công chức tư pháp – hộ tịch phải tham mưu thực hiện. Ngoài những nhiệm vụ công tác tư pháp được giao công chức tư pháp – hộ tịch tham mưu giúp UBND trả lời đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân; phối hợp với các công chức cấp xã khác xử phạt hành chính về trật tự xây dựng, trật tự đô thị, đất đai, vệ sinh môi trường, văn hóa thông tin...
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ biểu dương những kết quả công chức tư pháp - hộ tịch đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời yêu cầu công chức tư pháp – hộ tịch tập trung quán triệt và triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của ngành tư pháp, nhất là các văn bản pháp luật mới được ban hành và pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; tập trung tham mưu thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Công chức tư pháp – hộ tịch phải nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai có hiệu quả Đề án chuyển đổi số, thanh toán không sử dụng tiền mặt theo phương châm 4 không (làm việc không giấy tờ - hội họp không tập trung – dịch vụ công không gặp mặt – thanh toán không dùng tiền mặt và 01 có (dữ liệu hồ sơ có số hóa), góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các mặt công tác, đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần dân, thân thiện với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh công chức tư pháp – hộ tịch “Phải nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của công chức tư pháp - hộ tịch trong tham mưu giải quyết các vấn đề tư pháp tại địa phương; lấy sự hài lòng của tổ chức, người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo hiệu quả để đánh giá thi đua hàng năm, trong quá trình tiếp xúc với người dân phải hiểu dân nói và nói cho dân hiểu". Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của ngành Tư pháp và giao các sở ngành liên quan nghiên cứu, sớm tham mưu UBND tỉnh để có các quyết sách phù hợp, kịp thời quan tâm đến đội ngũ tư pháp, hộ tịch.
Nhân dịp này 20 cá nhân công chức tư pháp – hộ tịch tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích trong thực hiện công tác tư pháp – hộ tịch tại địa bàn tỉnh.