Vì nhiều lý do, dự án (DA) xây dựng Bến số 3, cảng Chân Mây đã chậm tiến độ gần 2 năm so với kế hoạch. Tại thời điểm này, chủ đầu tư đang tăng tốc thi công, phấn đấu đưa vào hoạt động trong quý 2/2021.
Dự án có vốn đầu tư 846 tỷ đồng với nhiều hạng mục
Nằm trong hệ thống cảng Chân Mây, thuộc Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, DA bến số 3 do Công ty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư xây dựng.
Bến có quy mô diện tích hơn 13 ha, trong đó bến bãi hơn 10 ha và gần 3 ha mặt nước; chiều dài bến 270m. Tổng kinh phí đầu tư bến số 3 là 846 tỷ đồng với nhiều hạng mục, như bến cập tàu, nạo vét khu nước trước bến, kè bờ, san lấp mặt bằng, khu neo đậu, bãi chứa hàng, nhà văn phòng, các công trình phụ trợ... sẽ trở thành bến cảng tổng hợp, phục vụ dịch vụ hậu cần, đảm bảo cho tàu, các phương tiện vận tải đường thủy có trọng tải 50.000-70.000 tấn ra vào.
Theo kế hoạch ban đầu, bến sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2019. Tuy vậy, đến thời điểm này, DA đã chậm tiến độ gần 2 năm.
Ông Trần Tuấn Hiệp, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Hào Hưng Huế cho biết, DA chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân. Trước hết, trong quá trình thực hiện DA, các thủ tục vướng mắc ở các bộ, ngành liên quan phải giải quyết mất thời gian 8 tháng. Hơn nữa, do khối lượng vật liệu nạo vét từ tuyến luồng nhánh và vũng quay tàu quá lớn nên phải mất thêm thời gian để thực hiện điều chỉnh quy mô vị trí và thỏa thuận với Cục Hàng hải Việt Nam.
Quá trình thi công DA gặp nhiều đợt mưa bão kéo dài; vướng mắc về vấn đề giải pháp xử lý san lấp mặt bằng, nạo vét khu luồng lạch và cũng đồng thời ảnh hưởng của dịch COVID-19, có thời điểm công nhân thi công trên công trình phải nghỉ và giãn cách gần một phần nửa.
“Vì những nguyên nhân trên nên thời gian xây dựng DA; trong đó khâu nạo vét san lấp mặt bằng, xây nhà văn phòng cũng như các công trình phụ trợ và lắp đặt thiết bị gián đoạn, mất nhiều thời gian. Chúng tôi đã xin UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gia hạn tiến độ và được đồng ý...” - ông Hiệp nói.
Đi vào hoạt động vào quý 2/2021
Những ngày này trên công trình bến số 3, cảng Chân Mây, người, xe cộ ra vào nhộn nhịp để lắp đặt, thi công những hạng mục cuối của DA. Quan sát thực tế có thể thấy rõ các hạng mục, như bờ kè, cầu cảng đã hoàn thành; các công trình phụ trợ như nhà văn phòng, tường rào an ninh, cổng, hệ thống phòng cháy, chữa cháy; 3 hầm băng tải và lắp đặt các thiết bị máy móc... đã hoàn thiện. Sân bãi cũng đã san lấp và bê tông vào giai đoạn hoàn tất. Các thiết bị máy móc, cần cẩu, đội xe xúc lực, xe đẩy... phục vụ cho bến số 3 đi vào hoạt động cũng được đơn vị đầu tư hơn 100 tỷ đồng đã lắp đặt và có mặt tại cầu cảng.
Đẩy nhanh tiến độ thi công sân bãi tại bến số 3 để hoàn thiện vào cuối tháng 3 này
Hiện tại, tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, đơn vị tập kết phương tiện tiến hành nạo vét khu nước trước bến với 100 nghìn m3, đạt 100% kế hoạch đề ra ban đầu. Với khối lượng nạo vét này sẽ thực hiện trong vòng 20 ngày và không gặp khó khăn như trước đây vì đã có mặt bằng xử lý.
Ông Thang Khánh Hóa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế thông tin, với nỗ lực của đơn vị trong thời điểm này, bến số 3 cảng Chân Mây đang thực hiện các thủ tục cuối cùng để đưa vào hoạt động vào quý 2/2021. Bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đơn vị đã chú trọng nhân lực, tuyển dụng, đào tạo tập huấn được đội ngũ gần 100 cán bộ, lao động vào làm việc tại bến số 3; trong đó ưu tiên phần lớn là người địa phương.
Đại diện lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế-công nghiệp tỉnh cho biết, DA bến số 3 là một trong những DA trọng điểm của tỉnh. Ban Quản lý khu kinh tế-công nghiệp tỉnh và UBND tỉnh đã nắm bắt những khó khăn từ phía doanh nghiệp và hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư. Với tiến độ xây dựng hiện nay, bến số 3 cảng Chân Mây đi vào hoạt động trong quý 2/2021 là khả thi.
Việc xây dựng đưa bến cảng số 3 đi vào hoạt động nhằm hỗ trợ giảm tải cho bến số 1 hiện đang quá tải trong việc tiếp nhận lượng hàng hóa bằng đường biển ngày càng gia tăng. Cùng với thời điểm bến số 3 đi vào hoạt động, bến số 2, cảng Chân Mây do Công ty CP Cảng Chân Mây làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 849 tỷ đồng cũng hoàn thành đưa vào hoạt động. Như vậy từ năm 2021 này, hệ thống cảng Chân Mây sẽ có 3 cầu cảng tiếp nhận lượng hàng hóa bình quân đạt 7,4 triệu tấn/năm, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa của các doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế -xã hội của địa phương...
Nguồn: báo Thừa Thiên Huế