Tìm kiếm tin tức
Trước bến Văn Lâu chiều chiều…
Ngày cập nhật 19/03/2021

Nằm trong chủ trương xây dựng môi trường cảnh quan Huế xanh – sạch – sáng, gần đây công viên hai bên bờ sông Hương được chỉnh trang sạch đẹp hơn trước. Trên con đường đi bộ dọc bờ bắc sông Hương trước đây có nơi từng là điểm đen tệ nạn xã hội, nay được chỉnh trang, xây dựng lại, chúng tôi hòa mình vào dòng người dân Huế cùng thưởng thức vẻ đẹp yên bình của dòng sông Hương trong một buổi chiều đầy nắng.

Đúng là con đường cùng với công viên của bờ bắc sông Hương đã thay da đổi thịt đáng kể sau bao nỗ lực của chính quyền. Vừa bước qua chân cầu Trường Tiền là một thảm hoa vàng trải dọc lối đi, với bối cảnh là dòng sông yên ả và ngọn núi Kim Phụng ẩn hiện sau những đám mây chiều. Công viên này trước đây vốn vắng vẻ, bởi người ta e ngại các tệ nạn xã hội, nay mọi người đã có thể đường hoàng bước chân vào. Đó đây tấp nập những người dân Huế cùng nhau đi tập thể dục với tiếng trò chuyện lao xao, tiếng bước chân rộn ràng. Một số người thì đi vãn cảnh như chúng tôi. Thỉnh thoảng, những người đi xe đạp vụt qua làm giật cả mình, kéo tâm trí trở về với thực tại. Chầm chậm thả bước thưởng thức không gian trong lành với hoa cỏ và dòng sông, chúng tôi ngang qua Thương Bạc, rồi dừng chân ở địa danh nổi tiếng: bến Văn Lâu – một điểm nhấn quan trọng trên con đường đi bộ bờ bắc sông Hương.

Có dừng chân ở bến Văn Lâu vào buổi chiều tà như thế này mới cảm nhận được vẻ hiền hòa của thiên nhiên và chiều sâu lịch sử, tâm linh xứ Huế. Tôi có một cảm giác rất đặc biệt khi đang đứng trong một không gian thiêng, bởi đây là một điểm nằm trên trục chính của Kinh thành Huế nối đến đàn Nam Giao – nơi nhà vua làm lễ tế trời. Sừng sững trước mắt kia là Kỳ đài, nơi từng treo lá hoàng kỳ của triều Nguyễn. Đây được xem là tọa độ số 0 của Huế, là cột mốc để tính quãng đường km ra bắc, vào nam…

Tòa nhà Phu Văn Lâu nhỏ nhắn, xinh xắn nổi bật trước thành quách thâm u bao bọc lấy chốn cung vàng điện ngọc bên trong. Băng qua tuyến đường quốc lộ là một khoảng không gian rộng, nghe nói đây là nơi xưa kia người ta từng cho voi, hổ đấu nhau trước khi Hổ Quyền [1] được xây dựng. Cứ theo trục chính tâm linh ấy sẽ đến Nghênh Lương Đình rồi hướng thẳng khoảng 4 km nữa sẽ đến đàn Nam Giao [2]. Đường thẳng tưởng tượng ấy chắc hẳn đã được vạch ra trên la bàn của các thầy địa lý ngày xưa khi quy hoạch kinh đô, nơi các bậc đế vương trị vì thiên hạ.

Sông Hương chưa bao giờ gần gũi với tôi như lúc này, khi ngay dưới chân mình đã là mặt nước xanh thẫm. Từ đây phóng tầm mắt ra xa là mặt sông hiền hòa, trong xanh, phẳng lặng. Con sông chính là linh hồn của một vùng đất, của nhịp sống và tâm hồn con người nơi đó. Đứng trước một con sông xinh đẹp như thế này, người ta thấy lòng lắng lại, những bộn bề lo toan của cuộc sống đời thường bỗng nhiên tan biến, nhường chỗ cho những khoảnh khắc bình yên để ngắm nhìn, để thưởng thức vẻ đẹp của con sông. Có lẽ, sông Hương đã góp một phần lớn tạo nên nhịp sống và tính cách của con người Huế: bình hòa, lãng đãng… chẳng giống ai!

Đứng trước khoảng sông mênh mông không một gợn sóng, trong đầu tôi lại vang lên câu hò mái nhì đặc trưng của Huế với lời thơ nổi tiếng của cụ Ưng Bình:

Chiều chiều trước bến Văn Lâu

Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm

Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông

Thuyền ai thấp thoáng trên sông,

Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

Người ta giải thích rằng, những câu thơ cụ Ưng Bình đặt ra để ca ngợi vua Duy Tân (1907 – 1916) từng giả làm người câu cá ở bến thuyền này để liên lạc với Thái Phiên, Trần Cao Vân chuẩn bị khởi nghĩa chống Pháp. Nhưng có người đã chứng minh rằng, địa điểm vua Duy Tân gặp gỡ các đồng chí của mình không phải ở đây mà ở Hậu hồ trong Đại Nội Huế [3]. Điều này có lẽ cũng hợp lý, bởi gặp gỡ trong bí mật như thế thì không thể lồ lộ ngay trước “bàn dân thiên hạ” tại bến thuyền của vua, nhất là ngay phía bên kia sông Hương là khu vực nhượng địa nơi người Pháp đang đồn trú. Dù sự thật lịch sử đã diễn ra thế nào thì chúng ta cũng đã có được câu hò bất hủ của xứ Huế gắn liền với giai điệu trữ tình, mượt mà, chầm chậm lan xa, xa mãi trên mặt sông yên ả. Chỉ có dòng sông Hương thanh bình mới tạo ra được điệu hò như thế và chỉ có điệu hò mái nhì mới thực sự phù hợp với mặt nước sông Hương.

Hoàng hôn xuống dần, không gian trở nên đặc quánh, cảnh vật mờ dần… Không gian thiêng ở bến Văn Lâu càng trở trên huyền ảo. Còn nhiều điều thú vị trên đoạn đường tiếp theo, nhưng tôi muốn ngưng đọng cảm xúc của mình nơi đây, tại bến Văn Lâu - nơi thể hiện chiều sâu văn hóa và vẻ đẹp mơ mộng, yên bình của cảnh quan xứ Huế. Hẹn sẽ quay trở lại và tiếp tục dạo bước trên những đoạn đường tiếp theo.

[1] Hổ Quyền ở xã Thủy Biều, TP. Huế, là đấu trường được xây dựng năm 1830 để tổ chức những trận đấu giữa voi và hổ cho vua và đình thần xem nhằm luyện tập và xiển dương sức mạnh của voi, cũng là của quân đội nhà vua trong chiến trận. .

[2] Đàn Nam Giao ở phường Trường An, TP. Huế, được xây dựng năm 1806, là nơi nhà vua tế trời đất.

[3] Phan Thuận An, Thương xác về địa điểm gặp mặt của vua Duy Tân, Thái Phiên và Trần Cao Vân, Tạp chí Xưa và Nay, số 28, tháng 6/1996.

Nguồn: báo Thừa Thiên Huế

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.701.426
Truy cập hiện tại 2.240