Điều này cho thấy, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa vẫn còn nhiều hạn chế, tức là sức mạnh “nội sinh” cho nền kinh tế còn yếu. Có nhiều yếu tố làm cho sức mạnh nội sinh không mạnh, đó là quy mô hoạt động của doanh nghiệp còn nhỏ (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ); năng suất lao động còn thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế không cao…
Theo thống kê, nguồn thu từ sản xuất kinh doanh bia chiếm tới 31% nguồn thu ngân sách. Đây là nguồn thu cho “hầu bao” của tỉnh, nhưng lại là một nguồn thu chưa hẳn là tốt!? Đơn giản đây là một mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu và lại càng không khuyến khích. Thế nhưng nó lại tạo ra nguồn thu rất lớn, tức là người dân chúng ta tiêu thụ rất nhiều.
Về thu tiền sử dụng đất, năm 2020 chúng ta thu được 2.100 tỷ đồng. Nếu có những phân tích cụ thể chúng ta sẽ thấy một bức tranh rõ hơn của nguồn thu này. Tuy nhiên có một điều, không phải nguồn thu nào từ tiền sử dụng đất đều tốt, theo cái nghĩa, khai thác tốt tài nguyên đất đai mà không tạo ra những “tác dụng phụ”. Chẳng hạn các dự án đô thị hóa nhưng chậm triển khai hoặc lấp đầy. Tạo nên những cơ hội đầu cơ đất đai đối với những người có tiền, đẩy giá đất lên cao làm mất cơ hội cho nhiều người tiếp cận đất ở, nhà ở. Và như thế có thể thấy, hố sâu khoảng cách giàu nghèo và công bằng xã hội sẽ ngày càng giãn ra thêm! Quan sát nhiều khu đô thị ở TP. Huế cũng như các dự án quy hoạch khu dân cư ở các huyện, chúng ta thấy nhiều khu quy hoạch đô thị cả hàng chục năm chưa được lấp đầy.
Nói chung, một nền kinh tế phát triển bền vững phải là từ hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ tạo ra tăng trưởng, tạo ra nhiều công ăn việc làm và từ đó, tạo ra nguồn thu ngân sách.
Có một điều đáng mừng trong thu chi ngân sách, chúng ta thấy, mặt dù nguồn thu ngân sách của tỉnh còn hạn chế, chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu chi, nhưng tỉnh đã ưu tiên nhiều cho đầu tư phát triển. Một khi chi đầu tư phát triển được ưu tiên hơn nó sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng, những điều kiện tốt hơn cho nền kinh tế phát triển trong tương lai.
Trên quy mô cả nước, có những thời điểm, thống kê cho thấy nguồn chi ngân sách cho khoản chi thường xuyên, tức là chi nuôi bộ máy chiếm đến hơn 80%. Một phần khác là chi cho trả nợ công nên nguồn chi cho phát triển thấp. Đã chi cho phát triển thấp rồi lại không được quản lý và khai thác hiệu quả, tình trạng thất thoát còn lớn. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này qua các “đại án” bị khởi tố và đưa ra xét xử trong thời gian gần đây, điều này càng gây áp lực lên cho ngân sách.
Trong bối cảnh như vậy, ở tỉnh ta, nguồn chi cho đầu tư phát triển vẫn được tăng cường. Ví dụ như giai đoạn 5 năm vừa qua, theo báo cáo của UBND tỉnh thì nguồn chi cho đầu tư tăng nhanh hơn nguồn chi thường xuyên. Tổng chi ngân sách giai đọan 2016 -2020 là 49.157 tỷ đồng thì chi cho đầu tư phát triển chiếm đến 33,2%, tốc độ tăng bình quân 22,6%/năm, trong khi đó chi thường xuyên chỉ tăng 7,5%/ năm. Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh, dự tính tổng chi ngân sách trong 5 năm tới: chi cho đầu tư phát triển tăng 7,8%/năm còn chi thường xuyên tăng 7,6%/năm, tức là mục tiêu chi cho đầu tư phát triển vẫn được ưu tiên.
Chúng ta có quyền hy vọng, những điều kiện về hạ tầng hỗ trợ cho phát triển sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế