Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 từ các nước vào Việt Nam là rất lớn và hiện hữu, do đó cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, tăng cường giám sát người nhập cảnh tại các khách sạn, cơ sở lưu trú dân sự.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu tăng cường số mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Trần Minh)
Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã qua 83 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo lắng vì thời điểm hiện nay trên thế giới đã ghi nhận hơn 59 triệu ca mắc COVID-19, số mắc ngày hôm sau tăng hơn, tốc độ gia tăng nhanh ở tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ đặc biệt ở Mỹ, châu Âu, châu Á. Nhiều nước châu Âu đã tái phong tỏa.
“Diễn biến dịch chưa có bất thường, hệ số lây nhiễm không tăng nhưng tốc độ lây nhiễm cao, ngày càng có nhiều quốc gia có ca nhiễm virus gây COVID-19. Việc phòng chống dịch khó khăn hơn nhiều. Nếu như Việt Nam ở trong bối cảnh như thế thì sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu điều trị. Nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 từ các nước vào Việt Nam là rất lớn và hiện hữu”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ người nhập cảnh trái phép, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, chỉ riêng trong ngày 23/11, có khoảng 5.000 người nhập cảnh/xuất cảnh, trong đó có 77 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam ở phía Bắc.
Trong khi đó, tại các khu cách ly, dù Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn, bên cạnh những địa phương thực hiện tốt, vẫn có tình trạng lơ là, chủ quan, chểnh mảng trong giám sát, cách ly, đặc biệt là ở các khách sạn, lưu trú dân sự.
Liên quan đến việc cách ly người nhập cảnh, Bộ trưởng nêu lên thực tế có một số địa phương có tình trạng lơ là, chủ quan trong vấn đề giám sát, đặc biệt là cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú dân sự. Vai trò của địa phương rất quan trọng trong việc cách ly tại khách sạn.
“Chúng tôi rất quan ngại. Chuyến bay về nước nào cũng đều có ca bệnh, chúng ta không thể đảm bảo chắc chắn 100% kiểm soát tốt không để lây nhiễm bệnh từ nhóm này”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm
Liên quan tới công tác xét nghiệm COVID-19, dù triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế liên tục đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát, tăng cường xét nghiệm nhưng số mẫu xét nghiệm chỉ khoảng 4.000 mẫu/ngày là rất thấp. "Nếu xét nghiệm như vậy trong thời điểm này rất dễ không phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong khi đây là cách duy nhất phát hiện" - Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
|
Các điểm cầu tham gia hội nghị. (Ảnh: Trần Minh) |
Dù con số này tăng gần gấp đôi so với thời điểm tháng 7, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá nếu so với các trường hợp có triệu chứng cúm, viêm phổi nặng thì con số xét nghiệm này là "rất thấp trong khi có cơ chế, có bảo hiểm y tế chi trả".
"Bài học là xét nghiệm càng nhanh, phát hiện càng nhanh thì cách ly khoanh vùng dập dịch càng nhanh", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh và lưu ý, phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm nếu không thì sẽ có tình trạng lấy mẫu không kịp xét nghiệm như bài học từng xảy ra tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay, các cơ sở y tế gần như quay trở lại hoạt động như bình thường, đạt công suất 80-90% so với trước đây. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm trong cơ sở y tế rất cao. Ngoài ra xuất hiện yếu tố mới là mầm bệnh tồn tại lâu trên các thực phẩm đông lạnh, Bộ Y tế chính thức yêu cầu giám sát COVID-19 với nhóm thực phẩm đông lạnh, nhất là nhập khẩu từ các nước đang có dịch./.
ĐCSVN