Ông Phạm Lợi, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa –Xã hội, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho rằng: “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng là yêu cầu khách quan đối với Đảng cầm quyền. Đảng chỉ có thể làm tốt vai trò cầm quyền khi năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu được nâng cao”.
Ông Phạm Lợi - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa –Xã hội, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội.
Góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhận một số ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm trên các lĩnh vực với mong muốn văn kiện thể hiện trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết của nhân dân, hòa quyện lòng dân - ý Đảng. Đồng thời thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng là "lấy dân làm gốc", mọi chính sách phát triển đều "vì nhân dân".
Ông Phạm Lợi - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa –Xã hội, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội: Cần đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên thực chất hơn
Dự thảo báo cáo chính trị được chuẩn bị công phu, khoa học trên cơ sở tổng kết thực tiễn những năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII với tầm nhìn rộng mở. Kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn chiến lược đến năm 2045.
Đọc dự thảo báo cáo chính trị của Đảng, tôi rất phấn khởi, tự hào về những thành tựu quan trọng của đất nước trong những năm qua, tin tưởng vào chủ trương xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới.
Dự thảo quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng Đảng, từ việc đánh giá tình hình, bài học kinh nghiệm, đến việc xác định chủ đề và những trọng tâm công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong 5 năm tới. Mục XIV xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tôi xin đề nghị bổ sung “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng”.
Hiện nay nhiều tổ chức Đảng sức chiến đấu còn hạn chế, thể hiện trong việc phê bình, tự phê bình trong Đảng; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng sai trái. Trong khi các tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội đều có ở các tổ chức kinh tế - xã hội và địa bàn dân cư. Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng là yêu cầu khách quan đối với Đảng cầm quyền. Đảng chỉ có thể làm tốt vai trò cầm quyền khi năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu được nâng cao.
Tôi đề nghị, cần đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên thực chất hơn; phải cải tiến sinh hoạt chi bộ. Còn về công tác cán bộ, việc đánh giá cán bộ, hiểu cán bộ chưa đúng thực chất dẫn đến việc đề bạt, bố trí cán bộ chưa đúng. Sau đề bạt cán bộ vào cương vị mới, phát hiện những khuyết điểm nghiêm trọng phải xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân. Có thể nói việc hiểu cán bộ, đánh giá cán bộ là một khâu yếu cần được khắc phục bằng cơ chế đánh giá cán bộ.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Văn hóa phải là điểm tựa, là động lực
|
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. |
Về cơ bản tôi nhất trí rất cao với dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Dự thảo các văn kiện được chuẩn bị khoa học, công phu, nghiêm túc, đã có tư duy đổi mới, không chỉ mới khi so sánh trực tiếp với văn kiện Đại hội XII mà còn so với việc văn kiện đã đáp ứng được thực tiễn hiện nay và xu hướng vận động của thực tiễn sắp tới.
Chủ đề Đại hội có 5 thành tố là rất rõ, vừa định hướng giải quyết nhiệm vụ thực tiễn hiện nay, vừa có tầm nhìn tới giữa thế kỷ XXI. Tuy nhiên, để in đậm thêm dấu ấn của nhiệm kỳ 5 năm tới, nên chăng thành tố thứ 5 có thể bổ sung: Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ là nước đang phát triển, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN.
Về tầm nhìn, định hướng phát triển, nên chăng cần nhấn mạnh và làm rõ: Ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây của Việt Nam không có điều kiện, cơ sở, cơ hội để đồng hành cùng nhân loại. Riêng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam mới có cơ hội đồng hành cùng nhân loại. Đây là cơ hội, "thời cơ vàng", cần được nhấn mạnh thêm, để chuyển thời cơ thành hiện thực trong cuộc sống.
Cũng cần nhấn mạnh thêm, kinh tế số, hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu với chính phủ số, xã hội số,... để rõ hơn tính khả thi 20% kinh tế số trong tỷ trọng GDP của đất nước vào năm 2025 (Hà Nội là 30%).
Và cũng cần nhấn mạnh văn hóa là nguồn lực, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Để trở thành và xứng đáng là một đất nước sáng tạo thì văn hóa phải là điểm tựa, là động lực, là nguồn lực chủ yếu trong xây dựng các chiến lược phát triển của đất nước.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng: Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc quản lý và khai thác tài nguyên
|
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng. |
Các dự thảo báo cáo được chuẩn bị chu đáo, chất lượng, phương pháp xây dựng bố cục và nội dung rõ ràng, chi tiết, không chỉ có báo cáo chung, mà có cả các báo cáo chuyên đề. Các dự thảo báo cáo đều cập nhật thông tin tốt, với những thông tin mới ở trong nước và quốc tế, được đưa vào một cách nghiêm túc, khoa học.
Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Tôi cho rằng, về quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đều là những nhiệm vụ thực sự rất cấp bách hiện nay. Những ngày gần đây, Việt Nam vất vả chống chọi với cơn lũ lịch sử ở dải đất miền Trung. Nguyên nhân là do cả khách quan và chủ quan, hiện tượng chặt phá rừng phòng hộ, làm thủy điện không tính đến những nguy cơ rủi ro đối với các vùng dân cư.
Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không tính đến an ninh sinh thái, môi trường, nguồn nước, lương thực… hay tình trạng ô nhiễm không khí trong năm vừa qua đã đặt ra yêu cầu cần xem xét nghiêm ngặt quy trình bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng mạnh nhưng không quên việc bảo tồn môi trường tự nhiên; đảm bảo môi trường sống không ô nhiễm, người dân có quyền thụ hưởng một môi trường lành mạnh và trong sạch. Chính điều này đã được dự thảo đề cập và đưa ra nhiệm vụ cụ thể.
Tuy nhiên, phần định hướng phát triển kinh tế-xã hội cần tập trung về nguyên nhân và giải pháp, cụ thể là giải pháp về quản lý, bảo vệ môi trường, những hệ lụy môi trường, quản lý đất đai cho hiệu quả…
Do đó, giải pháp trước mắt cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc quản lý và khai thác tài nguyên, bởi liên quan đến an ninh lương thực, nguồn nước, khoáng sản… và có những vùng, khu vực tài nguyên khoảng sản quốc gia còn là những vùng chiến lược của quốc phòng-an ninh.
Bên cạnh đó, cần có chiến lược lâu dài cho từng lĩnh vực, ví dụ để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt cần bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia và có sự đóng góp của nhiều chuyên gia.
Đáng chú ý, các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần này có một điểm hết sức cách mạng, đó là trước đây chúng ta chỉ quan tâm đến quyền của người dân dựa trên khía cạnh kiểm soát quyền lực của nhà nước - "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" - thì lần này, trong dự thảo đã bổ sung thêm một quyền nữa đó là "dân hưởng thụ".
Đây là một biểu hiện của sự quan tâm đến đời sống của người dân, đến những quyền lợi sát sườn, đến những nhu cầu xứng đáng được hưởng của người dân. Nó không chỉ mang lại cho người dân yếu tố vật chất, mà qua đây, còn mang lại cho người dân các yếu tố tinh thần, "dân hưởng thụ", dù chỉ có ba từ thôi, nhưng để triển khai vấn đề này đòi hỏi nỗ lực của cả một hệ thống chính trị/.
ĐCSVN