Tìm kiếm tin tức
Tập trung hỗ trợ lao động phi chính thức khó khăn do COVID-19
Ngày cập nhật 08/09/2020

(Chinhphu.vn) - Lao động phi chính thức là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong dịch COVID-19. Nếu không chăm lo tốt công tác an sinh xã hội cho lực lượng lao động này sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

 

Lao động phi chính thức là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong dịch COVID-19

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khi nói về đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2 với phương án hỗ trợ toàn diện để ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất. Gói hỗ trợ lần 2 sẽ tập trung hỗ trợ nhóm các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ. Trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo đến đối tượng lao động khu vực phi chính thức.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước có khoảng 55,4 triệu người lao động, trong đó lao động phi chính thức chiếm tới khoảng 56,2%. Thách thức đặt ra hiện nay chính là lực lượng lao động phi chính thức đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước nhưng cũng lại là nhóm chịu nhiều tổn thương, rủi ro và ít được thụ hưởng chính sách nhất. Điều này được thể hiện rõ thông qua đợt dịch COVID-19 vừa qua.

“Lao động phi chính thức là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong dịch COVID-19. Nếu không chăm lo tốt công tác an sinh xã hội cho lực lượng lao động này sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời điểm trước dịch COVID-19, mỗi tháng có khoảng 80.000-90.000 người tham gia vào thị trường lao động. Riêng lực lượng lao động có việc làm thông qua đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là khoảng 11.000 người/tháng. Tuy nhiên, từ thời điểm tháng 4 và tháng 5, thị trường lao động mất khoảng 60.000 việc làm mỗi tháng bởi doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. Từ đó dẫn đến tình trạng lao động bị ngưng việc, giãn việc, mất việc

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đợt dịch COVID-19 lần 2 sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động do thị trường hàng hóa đóng băng, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Tính đến hết tháng 7, số doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng 41,5 % so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là giai đoạn thất nghiệp thực sự. Số lao động thất nghiệp sẽ còn tăng nếu từ giờ đến cuối năm không kiểm soát tốt tình hình dịch,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trước tình hình đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu với Chính phủ gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2 với phương án hỗ trợ toàn diện để ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất. Gói hỗ trợ lần 2 tập trung hỗ trợ vào nhóm: Khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ…, trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo đến đối tượng lao động khu vực phi chính thức.

Theo đó, so với Nghị quyết số 42/NQ-CP, dự thảo sửa đổi, bổ sung mở rộng đối tượng thụ hưởng tới các chủ thể khác ngoài doanh nghiệp như các trường dân lập, tư thục, các trường công lập tự nbảo đảm chi thường xuyên. Theo thống kê của ngành giáo dục, ước tính 145.461 người lao động, cán bộ giảng viên các cơ sở giáo dục phải nghỉ việc, không có lương trong thời gian nghỉ dịch COVID-19.

Kinh phí cho số lượng người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm tại các cơ sở giáo dục quốc dân ước tính 1.618 tỷ đồng.

Dự thảo cũng bổ sung thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2020 đến ngày 1/6/2020 thay vì 1/4/2020 đến 1/6/2020.

Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg cũng sẽ quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện chi trả hỗ trợ cho người lao động tại các trường dân lập, tư thục, các trường công lập tự bảo đảm chi thường xuyên.

Đối với chính sách hỗ trợ vay vốn trả lương, dự thảo đã quy định cụ thể về điều kiện xác định người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chínhDự thảo quy định: "Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu tại thời điểm xét hưởng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019” là đối tượng “được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2020 đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.”

Về việc kéo dài thời hạn cho người sử dụng lao động vay cũng được điều chỉnh từ tháng 6 theo quy định hiện hành đến hết tháng 12 năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khó khăn do COVID-19 tiếp cận được vốn vay ban đầu là 16.000 tỷ đồng. Dự kiến, tổng số lao động được hỗ trợ là khoảng 3 triệu lao động.

Thu Cúc

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.802.506
Truy cập hiện tại 2.444