Tìm kiếm tin tức
Bày tỏ quan điểm như thế nào để không vi phạm Luật An ninh mạng?
Ngày cập nhật 23/01/2019
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, nguyên Cục trưởng Cục An ninh mạng - Bộ Công an. Ảnh: Bá Chiêm

Theo Luật An ninh mạng, mọi hành vi thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống trên mạng đều vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bắt đầu từ hôm nay (1/1), Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực. Với 7 chương, 43 điều, luật quy định các nội dung về bảo vệ, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng.

Những hành vi nào bị cấm trên không gian mạng và người dân sử dụng mạng xã hội cần khi bày tỏ quan điểm cần lưu ý điều gì để không vi phạm pháp luật là những vấn đề được nhiều người quan tâm.

6 NHÓM HÀNH VI BỊ CẤM

Luật An ninh mạng quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng. Người vi phạm tùy tính chất, mức độ hành vi sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại gây ra.

Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng gồm sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội bao gồm các hoạt động chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Luật cũng cấm thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Việc sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác cũng bị nghiêm cấm giống như hành vi chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

Đối với lực lượng chức năng, Luật An ninh mạng cấm mọi hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

Nhóm hành vi thứ sáu bị nghiêm cấm là những hoạt động khác sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc vi phạm quy định của luật này.

TỰ DO PHẢN BIỆN MIỄN KHÔNG VI PHẠM LUẬT HÌNH SỰ

Sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 68,68%, có ý kiến cho rằng quy định mới trong luật này có thể ảnh hưởng quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm của người dân.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, nguyên Cục trưởng Cục An ninh mạng (A68 Bộ Công an - nay là Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao) khẳng định Luật An ninh mạng không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận.

“Chúng ta thoải mái sử dụng mạng để hoạt động không vi phạm pháp luật. Khẳng định đầu tiên của tôi là không có gì cản trở ngôn luận nếu chúng ta trình bày đúng quan điểm của chúng ta mà không vi phạm. 29 nội dung Bộ luật hình sự cấm thì ảo cũng phải cấm, không thể nào đe dọa giết người trên mạng lại được tự do, trong khi đó đe dọa giết người ở đời thực thì bị bắt. Tương tự, không thể nào kích động biểu tình ngoài đời thì bị xử lý còn trên mạng thì không…”, ông Thuận nói.

Với tư cách người tham gia ban soạn thảo dự án Luật An ninh mạng, lãnh đạo Cục A68 cho rằng chưa bao giờ luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhiều như vậy. Mọi hành vi vi phạm về tôn giáo, dân tộc, kỳ thị đều bị xử. Người dân được nói, được phản biện các vấn đề miễn là không vi phạm pháp luật hình sự đã được quy chiếu.

Do đó, việc quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý loại bỏ nguy cơ phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, theo trung tướng Hoàng Phước Thuận nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện để người dân yên tâm kinh doanh, hoạt động trên không gian mạng.

Theo http://tuyengiao.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.805.064
Truy cập hiện tại 652