Tìm kiếm tin tức
Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Bước ngoặt quyết định
Ngày cập nhật 13/07/2018
ảnh tư liệu

         Năm 1965, với việc đưa quân viễn chinh cùng quân các nước đồng minh vào trực tiếp tham chiến ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã đẩy cuộc chiến tranh Việt Nam lên quy mô và cường độ chưa từng có. Với quân số đông đảo, cùng phương tiện, vũ khí chiến tranh tối tân, lính Mỹ và chư hầu liên tục tổ chức các cuộc hành quân “tìm diệt” trên khắp chiến trường miền Nam, mà đỉnh điểm là hai cuộc tiến công quy mô lớn vào mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, nhưng không đạt được mục đích đề ra. Từ thế chiến lược phản công và tiến công giữa năm 1965, đến cuối năm 1967, Mỹ buộc phải lùi dần vào thế phòng ngự chiến lược bị động trên toàn chiến trường. 

 

 

         

Tiểu đội 11 cô gái Sông Hương

Đối với ta, tuy giành được nhiều thắng lợi, thế và lực của cách mạng đã có bước phát triển mới, nhưng chưa làm chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho cách mạng. Từ thực tế đó, kết hợp với tình hình trong nước và quốc tế, cuối năm 1967, Bộ Thống soái Tối cao quyết định tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nhằm chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới. Phương án đề ra là: Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch; một đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng các đô thị và nông thôn, lấy chiến trường chính là Sài Gòn-Gia Định, Đà Nẵng, Huế và các thành phố lớn.

       Thực hiện chủ trương này, đêm 20-1-1968, trước Tổng tiến công và nổi dậy 10 ngày, các sư đoàn chủ lực của ta nổ súng tiến công Khe Sanh. Bộ chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam lập tức điều thêm 12 tiểu đoàn ra khu vực Đường 9 để đối phó. Đúng lúc địch đang điều động lực lượng cố giữ bằng được Khe Sanh, thì đêm 30 và 31-1-1968 - đêm giao thừa và mồng 1 Tết Mậu Thân, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần, làm cho Mỹ-ngụy bị bất ngờ, không kịp đối phó.

       Tại Sài Gòn, ta tiến công Toà đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Đài Phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát; các sở chỉ huy Sư đoàn bộ binh Mỹ số 1, 9, 25, 101. Hàng chục vạn quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ dài ngày ở nhiều khu phố. Riêng trận đánh Toà đại sứ Mỹ hơn 6 giờ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù Mỹ, đã gây tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ.

       Tại Đà Nẵng, ta tấn công sân bay Nước Mặn, sân bay Đà Nẵng, trận địa pháo Thanh Vinh, Tổng kho hậu cần Bàu Mạc, kho xăng Liên Chiểu; chiếm một cao điểm của Mỹ ở trên núi Phước Tường, làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc của Mỹ phía Tây Đà Nẵng. Tiểu đoàn đặc công 87 tiến đánh đồn Nhất và các vị trí của địch trên đường đèo Hải Vân, sau đó pháo kích sân bay Xuân Thiều. Một đơn vị vượt sông Cẩm Lệ, đánh vào trụ sở Quân đoàn I, tiêu diệt một số binh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. 
       Mặt trận Trị Thiên, ta tiến công Nhà Đèn, ty Cảnh sát, tòa Tỉnh trưởng, trụ sở cơ quan bình định và trụ sở MACV, Thành cổ, La Vang... Nhân dân nổi dậy cùng bộ đội địa phương bao vây địch ở một số quận lỵ, cắt đứt quốc lộ 1 đoạn từ Đà Nẵng ra Huế. Tại Huế, hầu hết các cơ quan đầu não của địch bị ta đánh chiếm. Phối hợp với chủ lực, quần chúng nổi dậy lùng bắt ác ôn, phá bỏ bộ máy kìm kẹp, thiết lập chính quyền cách mạng cơ sở… Địch sau đó phản kích dữ dội, ta và địch giành giật nhau từng góc phố, từng căn nhà, từng đoạn đường. Ngày 25-2, quân ta rút khỏi Huế để bảo toàn lực lượng sau 25 ngày làm chủ thành phố này.

       Tính chung trong toàn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy (gồm cả đợt 2 và đợt 3 diễn ra mùa hè và mùa thu năm 1968), quân và dân ta ở miền Nam loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 quân Mỹ, ngụy và đồng minh; tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn thiết giáp; phá hỏng, phá huỷ 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu, 700 kho đạn, 100 khẩu pháo các loại; diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu.

      Thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tạo ra một bước ngoặt quyết định của chiến tranh, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ; buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Pa-ri về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; mở ra điều kiện và thời cơ cho những đòn tiến công tiếp theo mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta.

Người sưu tầm Hà Binh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.805.196
Truy cập hiện tại 688