Thừa Thiên Huế có hai huyện miền núi (Nam Đông, A Lưới) và các huyện, thị xã có đồng bào DTTS (Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà). Dân số toàn vùng đồng bào dân tộc và miền núi có 121.248 người/24.657 hộ. Kinh tế vùng DTTS & MN của tỉnh phát triển tương đối vững chắc. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân chung trên 16% /năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 31 triệu đồng/người/năm, tăng hơn gấp 1,5 lần so với năm 2015. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân trên 4,5%/năm, giảm từ 38,84% năm 2015 xuống còn 20,28% năm 2019.
Đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020, huyện Nam Đông có 6 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 2 xã trên 90% là người DTTS), huyện A Lưới có 4 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 1 xã trên 90% là người DTTS). Các đơn vị đã tổ chức được 44 lớp đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ xã và cộng đồng với tổng số lượt là 1.620 lượt người tham dự, qua đó góp phần nâng cao năng lực quản lý điều hành cho đội ngũ cán bộ xã, thôn; nâng cao hiểu biết về kỹ thuật sản xuất khuyến nông lâm của cộng đồng góp phần tạo được sản phẩm có hiệu quả về kinh tế.Tập trung vào việc phát triển đàn bò với số lượng trên 842 con trung bình mỗi hộ được hỗ trợ 1 con, nuôi lợn trên 1.020 con trung bình mỗi hộ khoảng 5 con, đàn dê trên 724 con, gia cầm trên 26.000 con. Công tác khám chữa bệnh cho đối tượng thuộc hộ nghèo ở tuyến huyện/thị xã và y tế cơ sở được duy trì có hiệu quả, thanh quyết toán đúng, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của đối tượng người nghèo khi tham gia khám chữa bệnh theo đúng quy định.
Tại buổi làm việc
Qua rà soát, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS & MN giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương vùng đồng bào DTTS & MN đề nghị đối với tiểu dự án “Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tự do, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng biên giới”, đăng ký bổ sung hai điểm định canh định cư ở xã Quảng Nhâm (A Lưới) và xã Thượng Long (Nam Đông) với 480 hộ/2.100 khẩu, tổng kinh phí đề xuất là 114.800 triệu đồng. Đồng thời, đề xuất thêm 4 thôn được đưa vào diện thôn ĐBKK (thôn 5, xã Bình Tiến; Thôn Bồ Hòn, xã Bình Thành; bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc; thôn Tân An, xã Lộc Bình), do sát nhập xã, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Dân tộc phát biểu bày tỏ sự ủng hộ UBND tỉnh về việc hỗ trợ Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh nhằm thực hiện vai trò thúc đẩy hoạt động khởi sự kinh doanh cho đồng bào dân tộc của tỉnh nói riêng và vùng Trung bộ nói chung, cũng như các đề xuất của các ngành, địa phương vùng DTTS & MN của tỉnh.Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh đề nghị tỉnh cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện phát huy tốt hơn nữa vai trò cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, sử dụng linh hoạt các nguồn vốn để đầu tư khi chưa có nguồn vốn từ Trung ương phân bổ, góp phần bảo đảm thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương lưu ý các ngành chức năng, các địa phương vùng DTTS & MN của tỉnh chú trọng việc tham mưu cho UBND tỉnh những tiểu dự án cần ưu tiên thực hiện trong chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và MN trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đầu tư cho vùng dân tộc đảm bảo hiệu quả cao nhất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thoát nghèo bền vững, giảm dần khoảng cách giữa đồng bào DTTS & MN so với bình quân chung của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi làm việc