Về tổ chức thực hiện, Chương trình cải cách này cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành trong việc thẩm định các quy định trong dự án, dự thảo VBQPPL; sự tham gia của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC; vai trò chủ trì, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra của VPCP và Văn phòng các Bộ trong triển khai thực hiện…
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, đến nay, các Bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý; thành lập Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 68 và lập Danh mục thống kê các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. VPCP đã xây dựng công cụ cải cách và tài liệu hướng dẫn các Bộ, ngành.
Trước mắt, các Bộ, ngành cần sớm hoàn thành thống kê, cập nhật dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31 tháng 5 năm 2020 thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ vào phần mềm thống kê, rà soát theo hướng dẫn của VPCP trước ngày 15 tháng 10 năm 2020; tổng hợp, báo cáo kết quả thống kê, tính chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ trước ngày 31 tháng 10 năm 2020, gửi VPCP để theo dõi.
Đối với các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ và có biến động chi phí tuân thủ tiếp tục cập nhật, thống kê theo thời gian thực trên phần mềm hệ thống.
Cùng với việc thống kê, tính chi phí tuân thủ các quy định lần đầu, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; xây dựng văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
|
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP |
Các nhiệm vụ trọng tâm
"Để thực hiện có hiệu quả Chương trình cải cách này, tôi đề nghị các Bộ, ngành cần phát huy hiệu quả vai trò của Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP tại Bộ, ngành mình, vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực hiện cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với VPCP và Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động tham vấn, cùng tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP tại các Bộ, ngành thường xuyên tiến hành theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ tại các Bộ, ngành mình. VPCP sẽ tổ chức giao ban hàng tháng với Tổ công tác của các Bộ, ngành để kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ định kỳ kiểm tra việc thực hiện Chương trình này tại các Bộ, ngành, địa phương.
Để thực hiện được mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các Bộ, ngành tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau.
Một là, tập trung cải cách mạnh mẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.
Hai là, thúc đẩy việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, tập trung lựa chọn, tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên môi trường điện tử các TTHC có nhu cầu lớn, liên quan nhiều đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; ban hành và triển khai Kế hoạch số hoá kết quả giải quyết TTHC.
Ba là, tiếp tục đổi mới lề lối phương thức làm việc thông qua việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền; chuyển đổi từng bước việc điều hành dựa trên giấy tờ sang điều hành bằng dữ liệu theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Bốn là, tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Về phía các địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp không theo địa giới hành…
Về phía Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ và các Hiệp hội doanh nghiệp, đề nghị các thành viên tích cực tham gia ý kiến đối với các quy định trong dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của các Bộ, ngành…
Về phía các cơ quan thông tấn báo chí, đề nghị tích cực tuyên truyền, đồng hành cùng với VPCP và các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai Chương trình cải cách này.
|
Chuyên gia Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) giới thiệu với các đại biểu về công cụ cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. - Ảnh: VGP |
Các công cụ cải cách
Tại họp báo, chuyên gia Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) đã giới thiệu với các đại biểu về công cụ cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Lấy ví dụ cụ thể về các quy định về kinh doanh casino, chuyên gia làm rõ cách thức rà soát, thống kê và tiến hành cải cách, cắt giảm các quy định liên quan.
Theo chuyên gia này, từ năm 2007 tới nay, chúng ta đã chứng kiến ba làn sóng cải cách các quy định, thủ tục, như được thể hiện trong bảng sau:
Các yêu cầu của chương trình cải cách lần này là:
- Bao trùm toàn bộ các ngành nghề kinh doanh, toàn bộ các quy định hiện hành và dự thảo
- Tiếp cận tổng thể, và lấy doanh nghiệp làm trung tâm
- Ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách
- Đánh giá, theo dõi, giám sát quá trình cải cách theo thời gian thực
- Doanh nghiệp, người dân tham gia vào quá trình cải cách, và giám sát kết quả thực hiện tại các Bộ, ngành.
Bài bản hơn trong thúc đẩy cải cách thể chế
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhắc lại, trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác hoàn thiện thể chế, “thể chế, thể chế và thể chế”. Trong quá trình cải cách và hoàn thiện thể chế, đánh giá đặc biệt cao vai trò của VPCP và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong giải quyết các xung đột, vướng mắc về thể chế.
|
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại họp báo. - Ảnh: VGP |
Theo ông Vũ Tiến Lộc, có 3 đợt sóng cải cách ngay trong nhiệm kỳ này của Chính phủ.
Thứ nhất, năm 2016, đợt sóng cải cách đầu tiên, xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, với yêu cầu điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong Luật và Nghị định. Chính phủ đã thành công trong việc khai tử hàng nghìn giấy phép con trong các thông tư, cắt giảm các điều kiện kinh doanh.
Đợt sóng thứ hai là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành với tinh thần rất quyết liệt.
Và hiện nay là đợt sóng thứ ba, với Nghị quyết số 68 đặt mục tiêu cắt giảm 20% các quy định về kinh doanh trong 5 năm tới. Nghị quyết này cũng gắn với một chương trình rất lớn là rà soát, xóa bỏ những chồng chéo, xung đột, bất hợp lý trong các quy định về kinh doanh.
“Một nhiệm kỳ với ba đợt sóng, Chính phủ đã thành công với việc thúc đẩy cải cách thể chế, với cách thức thực hiện bài bản hơn. Đây cũng là nhiệm kỳ Chính phủ đầu tiên đặt mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp và chương trình nghị sự cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 quyết liệt hơn”.
Theo khảo sát của VCCI, thời gian qua, tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép về điều kiện kinh doanh giảm từ 58% xuống còn 48%, tức giảm 10% và tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép cũng giảm 10%. Đây không chỉ là vấn đề tiền bạc hay thời gian mà còn là vấn đề niềm tin, các kết quả này cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã tăng lên.
Nghị quyết 68 có nhiều điểm mới. Trước hết, Nghị quyết không chỉ đề cập đến điều kiện kinh doanh hay TTHC mà toàn bộ các quy định về kinh doanh. Bởi trong thực tế, một bản phụ lục hay một biểu mẫu trong thông tư cũng có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp...
Điểm thứ hai, tinh thần của Nghị quyết là giảm bớt tối đa các văn bản, hạn chế tối đa tình trạng một thông tư có thể ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp.
Thứ ba, cách làm một văn bản sửa nhiều văn bản có thể giúp sửa đổi các quy định một cách nhanh chóng hơn...
Cùng với đó, rà soát không chỉ các văn bản đã có hiệu lực mà còn sửa đổi cả các văn bản đang trong quá trình soạn thảo. Bảo đảm khả năng thực thi, thúc đẩy thực hiện chính sách cải cách trong thực tế. Cộng hưởng với các cải cách trong thực hiện Chính phủ điện tử, thực hiện các thủ tục trực tuyến...
"Rất hy vọng, Nghị quyết 68 sẽ thúc đẩy một đợt sóng cải cách mới về các quy định kinh doanh, rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam", ông Vũ Tiến Lộc phát biểu.
|
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân phát biểu tại họp báo. - Ảnh: VGP |
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân chia sẻ với VPCP, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính về những khó khăn trong quá trình cải cách các quy định, thủ tục; đánh giá cao các nội dung của Nghị quyết 68, nhất là quan điểm đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện các thủ tục trên môi trường điện tử, đề cao trách nhiệm người đứng đầu…
"Chúng tôi ủng hộ tối đa Nghị quyết này và mong chúng ta làm sao phối hợp để đưa Nghị quyết này vào cuộc sống", ông Nguyễn Văn Thân nói.
Kết thúc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là cải cách phải thực chất, kết quả cải cách phải quy ra được thời gian và chi phí tiết kiệm được, được các tổ chức quốc tế, người dân và doanh nghiệp thừa nhận. Người phát ngôn của Chính phủ đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến phản ánh để thực hiện tốt chương trình cải cách này.
Nhóm PV