Tìm kiếm tin tức
Thí điểm đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Ngày cập nhật 01/10/2020

(Chinhphu.vn) - Để đổi mới việc giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc địa giới hành chính theo đúng mong muốn của Chính phủ thì điều kiện kiên quyết là phải có hệ thống một cửa và Cổng Dịch vụ công của địa phương, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ông Ngô Hải Phan-Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Gia Huy

Chiều 28/9, Đoàn khảo sát của Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) do ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC làm Trường đoàn làm việc với Văn phòng UBND TP. Hà Nội về khảo sát, lấy ý kiến về việc thí điểm đổi mới đối với cơ chế một cửa, một cửa liên thông của TP. Hà Nội.

Đổi mới giải quyết TTHC để phục vụ người dân tốt hơn

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Hải Phan cho biết năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC triển khai trong phạm vi toàn quốc, áp dụng với tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Điểm nhấn của Nghị định này là các trung tâm dịch vụ hành chính công. Đến nay đã có 55/63 trung tâm phục vụ hành chính công tại các tỉnh, thành phố. Đối với TP. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể tổ chức phân tán hoặc tập trung tại các sở, ngành.

Theo ông Ngô Hải Phan, trong quá trình triển khai, mong muốn của Chính phủ là phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ quan, địa phương có liên quan xây dựng Đề án thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2021.

Dự thảo đề án cho thấy, thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC có thể giảm tải khối lượng công việc, cơ quan hành chính Nhà nước tập trung nhân lực, vật lực thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Ông Ngô Hải Phan cũng nhấn mạnh về mong muốn của Chính phủ là phải đổi mới, cụ thể là giải quyết TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính, theo đó người dân chỉ cần đến địa điểm một cửa có thể giải quyết TTHC mà không cần đến thêm nơi khác.

Để đổi mới theo hướng này, theo ông Ngô Hải Phan, điều kiện kiên quyết là phải có hệ thống một cửa và Cổng Dịch vụ công của địa phương và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Vì vậy, Đoàn công tác của Cục Kiểm soát TTHC làm việc với UBND TP. Hà Nội nhằm trao đổi, nắm bắt thông tin trong quá trình triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của TP. Hà Nội; nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn của Hà Nội trong triển khai cơ chế này.

Hà Nội đã cung cấp 97% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4

Về hiệu quả và mức độ thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Văn phòng UBND TP. Hà Nội cho rằng Nghị định đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương, lấy người dân, tổ chức làm trung tâm; tạo thuận lợi cho việc thực hiện TTHC.

Thực hiện các quy định tại Nghị định, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện việc kiện toàn bộ phận một cửa theo quy định. Đến nay, 100% các đơn vị trên địa bàn TP. đã thực hiện kiện toàn lại bộ phận một cửa.

Các TTHC trên địa bàn về cơ bản đều được giải quyết đúng thời hạn quy định, nhiều hồ sơ TTHC được trả trước hạn. Tính từ năm 2018 đến nay, toàn thành phố đã tiếp nhận trên 28 triệu hồ sơ, đã giải quyết đúng hạn trên 27,8 triệu (tỷ lệ đúng hạn 99,04%).

Tới thời điểm hiện tại, Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung ba cấp của thành phố đã được tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, bảo đảm Hệ thống một cửa điện tử dùng chung của thành phố có tính năng đánh giá kết quả giải quyết TTHC phù hợp với quy định của Thông tư số 01/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ.

Tính đến nay, tổng số TTHC của thành phố là 1.859 TTHC trong đó có 1.684 TTHC đủ điều kiện để triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4. Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của thành phố đang cung cấp cho người dân và doanh nghiệp là 1.671/1.684 TTHC (bao gồm các dịch vụ công trực tuyến của bộ, ngành và các đơn vị tự triển khai), đạt tỷ lệ 97%. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 444 dịch vụ công và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 1.227 dịch vụ công.

Đại diện một số quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình... đều cho rằng việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC là cần thiết và sẵn sàng là địa phương thí điểm đổi mới. Đổi mới còn góp phần giảm số lượng cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa. Quận Hoàn Kiếm cho rằng mấu chốt của triển khai thí điểm ngoài vấn đề hạ tầng, công nghệ thì điều quan trọng là vẫn là đội ngũ cán bộ, cần đào tạo bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu của công việc ngày càng cao.

Văn phòng UBND TP. Hà Nội kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đánh giá thêm tác động của việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các địa phương (đặc biệt đối với cấp xã và cấp huyện) để xem xét, quyết định việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo hiệu quả thực hiện trong thực tế. Bên cạnh đó, nghiên cứu thực tế và xây dựng mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với tình hình, khả năng và mục tiêu phát triển của thành phố...

Ông Ngô Hải Phan cho biết Đoàn công tác ghi nhận các ý kiến góp ý, các kiến nghị của Văn phòng UBND TP. Hà Nội nhằm hoàn thiện dự thảo đề án. Đề án dự kiến lựa chọn một vài địa phương, tại các địa phương này lựa chọn một vài nơi để thí điểm theo đúng mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp giải quyết TTHC.

Ông Ngô Hải Phan cũng nhấn mạnh việc thực hiện đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông là việc chia sẻ nhiệm vụ, quyền lợi từ cơ quan hành chính Nhà nước sang tổ chức khác. Do đó, rất cần sự quyết tâm cao của bộ, ngành, địa phương để đổi mới theo đúng định hướng của Chính phủ.

Gia Huy

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.784.428
Truy cập hiện tại 3.025