Tìm kiếm tin tức
Đẩy nhanh chuyển đổi số để hấp dẫn du khách
Ngày cập nhật 07/12/2020

Dịch bệnh COVID-19 trong gần một năm gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch. Năm 2020, dự báo lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%, ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD. Ngay lúc này, không còn cách nào khác, “hãy nắm chặt tay nhau cùng hành động” đó là thông điệp từ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Du lịch năm 2020 vừa diễn ra tại Quảng Nam.

Rất nhiều địa phương, trong đó có Thừa Thiên Huế đã đưa ra giải pháp liên kết để tối ưu hoá nguồn lực, liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm tạo động lực mới cho phát triển du lịch trong và sau đại dịch ứng dụng công nghệ số trong tham quan các điểm du lịch văn hoá… Ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch hiện nay là một trong những yếu tố sống còn. Và Thừa Thiên Huế đã phát triển du lịch thông minh trên “bệ phóng” của nền tảng đô thị thông minh.

Thời gian qua, Huế có rất nhiều ứng dụng giúp du khách trải nghiệm được du lịch thông minh bằng thực tế ảo vô cùng ấn tượng, hấp dẫn. Nổi bật trong số ứng dụng đó có thể kể đến chương trình “Đi tìm hoàng cung đã mất” tại Đại Nội, bằng công nghệ thực tế ảo VR360, du khách có thể tận mắt thấy được không gian Hoàng cung Huế với các công trình kiến trúc không gian đa chiều có từ  hàng trăm năm trước. Ngoài ra, còn có hệ thống thuyết minh tự động (audio guide) với 12 ngôn ngữ khác nhau tại khu vực Hoàng cung và các lăng tẩm. Tương tự, du khách cũng có thể sử dụng mã QR code của ứng dụng VN Guide để trải nghiệm tham quan các cổ vật qua không gian 3D tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế…

Du lịch thông minh ở Huế những năm gần đây còn được thể hiện bằng phần mềm quản lý, liên thông dữ liệu với các ngành liên quan, đẩy mạnh hỗ trợ trực tuyến. Trong đó,  phần mềm quản lý ngành du lịch đang được xây dựng có chức năng quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu gồm, dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, nguồn lao động du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn. Phần mềm quản lý cơ sở lưu trú giúp liên thông dữ liệu giữa ngành du lịch, công an, thuế, thống kê, kế hoạch và đầu tư, tích hợp việc khai báo y tế trực tuyến, xuất mã QR code cho du khách sau quá trình đăng ký ở các cơ sở lưu trú…

Dù đã áp dụng công nghệ gắn với du lịch thông minh và đạt được những thành công cơ bản, nhưng ông Bình nhìn nhận, vẫn còn nhiều hạn chế, chưa kết nối được chuỗi hệ thống. Trong đó, cơ sở dữ liệu được xem là “chìa khoá” để thực hiện được du lịch thông minh, đặc biệt là dữ liệu lớn trong ngành du lịch vẫn còn thiếu, các ứng dụng thiết yếu chưa đưa vào vận hành, thực hiện… “Vì thế, việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về tài nguyên văn hóa và du lịch là rất quan trọng. Trong thời gian đến, tỉnh sẽ mở rộng số hóa các nguồn dữ liệu về văn hóa, bảo tồn di sản, dữ liệu về y tế, giáo dục, giao thông vận tải, thời tiết... để kết nối thông tin số liệu và tiếp cận điểm đến, dịch vụ thông qua các ứng dụng, công cụ phù hợp, theo kịp xu hướng công nghệ tiên tiến”, ông Bình nói về mục tiêu mà ngành du lịch vùng đất Cố đô hướng tới.

Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Khắc Hiệp cho rằng, nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng thích ứng. Vì thế, cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm, hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá. Quá trình chuyển đổi số được đơn vị này áp dụng trong quản lý nhân sự, áp dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào quy trình quản lý để giảm chi phí vận hành tối đa, tối ưu hóa năng suất.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để đo lường thị hiếu, nhu cầu của du khách, qua đó đón đầu xu hướng và nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh của thương hiệu nói riêng và của du lịch Việt Nam nói chung”, ông Hiệp khẳng định. Ngoài ra, ông hy vọng sẽ tạo ra động lực để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tham gia tích cực hơn vào quá trình chuyển đổi số, từ đó không chỉ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, mà còn tăng tối đa sức mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, ngành du lịch, các địa phương và doanh nghiệp trong thời gian quan đã có những tiến bộ trong chuyển đổi số, thế nhưng, việc triển khai vẫn còn chậm. Nhiều dịch vụ du lịch dựa trên nền tảng công nghệ đa phần do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, phát triển. Vì thế, các đơn vị liên quan cần tham gia tích cực vào các chương trình tạo ra những nền tảng số dùng chung cho ngành du lịch và toàn xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, phải làm thế nào đó, dựa trên các nền tảng số, du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu trước khi có quyết định đặt phòng, đăng ký tour không chỉ với các doanh nghiệp du lịch lớn mà với nhà hàng, cơ sở lưu trú nhỏ, từng sản phẩm, dịch vụ du lịch… Làm sao chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dân, du khách có thể tìm hiểu, lên kế hoạch đặt mua vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn, đi đến các khu du lịch, danh thắng, bảo tàng, di tích lịch sử.

Chưa khi nào việc ứng dụng công nghệ số vào du lịch lại được quan tâm và thảo luận sôi nổi như thời điểm này. Dịch bệnh đã có tạo ra những rào cản, nhưng chính nó cũng thúc đẩy ngành du lịch phải tạo ra được những hướng đi mới, mang tính đột phá, thích nghi.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.699.311
Truy cập hiện tại 1.694